Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang chạy đua với thời gian để hoàn thành mục tiêu kinh doanh đặt ra. Thời gian không còn nhiều, liệu có hoàn thành?
Xuất khẩu khá trầm lắng
Trái ngược với sự hân hoan của năm 2014 khi hầu hết các doanh nghiệp thắng lợi, vượt kế hoạch, năm nay tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kể cả thủy sản nuôi (nhất là tôm, cá tra…) lẫn thủy sản đánh bắt vẫn trầm lắng.
Thực tế xuất khẩu tôm nửa đầu năm 2015 vẫn tăng, nhưng mức tăng trưởng không cao như nửa đầu năm 2014, do tác động của thuế chống bán phá giá lần 8. Xuất khẩu nửa cuối năm lại phải cạnh tranh với các nước sản xuất khác (như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…), khi sản lượng của họ bắt đầu hồi phục.
Nhu cầu nhập khẩu cá tra của các thị trường trong quý IV chưa có dấu hiệu hồi phục. Dự báo xuất khẩu cá tra năm 2015 khoảng 1,77 tỷ USD, tương đương năm 2014.
Xuất khẩu cá ngừ năm 2015 có thể hồi phục nhẹ khi nền kinh tế các nước nhập khẩu chính (Mỹ, Nhật…) hồi phục. Kinh tế Mỹ được dự báo tăng tốc trong năm tới và nhu cầu nội địa sẽ tăng, trong khi kinh tế Nhật thoát suy thoái. Chính sách nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) và gói kích thích khổng lồ của Chính phủ Nhật, cùng với giá năng lượng thấp, sẽ là đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trở lại với tăng trưởng.
9 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu tôm giảm 18% so cùng kỳ năm 2014 – Ảnh: Duy Khương
Dự báo xuất khẩu mực, bạch tuộc năm 2015 đạt 520 triệu USD, tăng 8% so năm 2014. Xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác tiếp tục hồi phục; giá trị xuất khẩu cua – ghẹ, giáp xác khác năm 2015 sẽ khoảng 160 triệu USA, tăng 20% so năm 2014; xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ 85 triệu USD, tăng 5%.
Tín hiệu ảm đạm
Nhìn số liệu thống kê của VASEP những tháng đầu năm cho thấy, không có gam màu hồng như nhận định mà thay vào đó là gam màu xám bao trùm. Để tìm được một điểm sáng lúc này không dễ.
Công ty TNHH XNK Thực phẩm Á Châu (Afoods) cho biết, 7 tháng đầu năm nay khối lượng thủy sản xuất khẩu của Công ty là 1.138 tấn, tương đương giá trị gần 5,4 triệu USD, tăng 2% lượng nhưng giảm gần 16% giá trị. Nguyên nhân được lý giải là do sức tiêu thụ của hai thị trường lớn EU và Nhật Bản giảm, đồng Euro và đồng Yên mất giá, các đối tác yêu cầu giảm giá bán mới mua vào. Vì thế, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ khoảng 10,8 triệu USD, giảm 25% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm và giảm 14% so với năm 2014.
Chỉ một ví dụ như vậy cũng đủ thấy những tháng cuối năm vẫn còn ảm đảm vì những lý do khiến giá trị xuất khẩu giảm khó phục hồi trong một sớm một chiều; dẫu tăng lượng bán ra nhưng giá trị thu về vẫn chưa chắc bằng, thậm chí còn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo một số chuyên gia, cần thực hiện xúc tiến thương mại nhưng không đơn giản chỉ là tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài. Quan trọng lúc này là đưa truyền thông nước ngoài vào Việt Nam để họ chứng kiến quy trình sản xuất cá tra. Từ đó tránh được tình trạng cá tra bị bôi nhọ như từng xảy ra. Việc tiếp cận thị trường của hầu hết các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn đang dựa vào kinh nghiệm hơn là những chiến lược kinh doanh được nghiên cứu, xây dựng bài bản, chuyên nghiệp. Đây cũng là điểm yếu khiến ngành thủy sản nước ta khó mở rộng được thị trường mới.
>> Theo ông Phạm Công Dũng, Cục chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, với tiến độ ì ạch như hiện nay, xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2015 chỉ đạt khoảng 95% mục tiêu đề ra; trong đó, thủy sản có thể chỉ đạt trên 90%. |