Giá xăng, dầu giảm không chỉ là tin vui cho ngành vận tải đường bộ mà cả bà con ngư dân cũng phấn khởi, bởi xăng, dầu luôn chiếm một khoản chi phí lớn cho mỗi chuyến ra khơi.
Sau chuyến câu mực hơn hai tháng trở về, tàu cá có công suất gần 1.000 CV số hiệu ĐNa 90567 của anh Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chuẩn bị nhiên liệu để ra khơi chuyến biển cuối năm. Anh Mười cho biết, mỗi chuyến biển của tàu ĐNa 90567 thường tiêu tốn gần 30.000 lít dầu, cùng hàng tấn lương thực, thực phẩm. Do đó, việc giá dầu giảm gần 1.000 đồng/lít đã giảm chi phí rất nhiều cho chuyến ra khơi.
“Tính ra, nếu giá dầu giảm như vậy thì mỗi chuyến ra biển chúng tôi đã giảm gần 30 triệu đồng phí tổn nhiên liệu. Nếu tính bình quân mỗi năm 4 chuyến, chúng tôi giảm trên 100 triệu tiền nhiên liệu. Đây là số tiền không nhỏ đối với ngư dân”, anh Trần Văn Mười vui mừng cho biết.
Ngư dân Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu ĐNa 90351 tâm sự: “Nỗi lo của ngư dân khai thác xa bờ chủ yếu hai vấn đề chính là nhiên liệu và giá cả sản phẩm. Nếu giá dầu cao, giá sản phẩm không ổn định thì dù chuyến biển đó có trúng đậm cũng chẳng được là bao. Việc giá dầu giảm ngư dân chúng tôi có lợi rất nhiều, cho dù giá sản phẩm vẫn giữ như cũ”.
Ngư dân chuẩn bị nguyên, nhiên liệu, lương thực… trước giờ ra khơi.
Theo anh Chiến, tàu có công suất 500 CV của anh ra khơi thường tốn ít nhất 4.000 – 5.000 lít dầu, nếu mỗi lít giảm gần 1.000 đồng thì mỗi chuyến cũng giảm vài triệu, mỗi tháng đi từ 2-3 chuyến số tiền nhiên liệu giảm được gần 15 triệu đồng…
Không chỉ có những người đánh bắt xa bờ trên những chiếc tàu có công suất lớn vui, mà cả những người lao động trên những con tàu dưới 30 CV, đánh bắt ở vùng bờ còn vui hơn. Bởi với họ, mỗi chuyến ra khơi chỉ lấy công làm lời.
Dẫu vậy, chi phí nhiên liệu cũng quyết định phần lớn. Ngư dân Đinh Văn Hội (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, đánh bắt gần bờ không tốn nhu yếu phẩm, chỉ tốn nhiên liệu. Bởi cứ chiều cho tàu ra biển đánh bắt, rạng sáng hôm sau cho tàu vào bờ, mỗi đêm cũng tiêu tốn khoảng 100 lít dầu.
“Do nguồn hải sản gần bờ cạn kiệt nên làm ăn đêm có, đêm không. Nhiều lúc gặp gió, ngược nước thì không bù đủ tiền dầu. Từ khi giá dầu giảm, thu nhập đỡ hơn nhiều, ngư dân ai nấy vui mừng lắm”, anh Đinh Văn Hội chia sẻ.
Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết, xăng, dầu chiếm phần lớn chi phí của ngư dân mỗi chuyến đi biển dài ngày. Nếu như trước, giá xăng, dầu tăng kéo theo các chi phí khác tăng, trong khi đầu ra sản phẩm không ổn định, bị ép giá dẫn đến ngư dân thua lỗ, phải cho tàu nằm bờ.
Do vậy, việc giá xăng, dầu giảm đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ngư dân. Đối với ngư dân đánh bắt xa bờ, mỗi tháng cũng giảm chi phí nhiên liệu hàng chục triệu đồng… Toàn thành phố hiện có gần 2.000 phương tiện tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản, trong đó có khoảng 250 tàu từ 90 CV-1.300 CV. Như vậy, rõ ràng việc tiết kiệm từ chi phí nhiên liệu nhờ giá dầu giảm đã có hiệu quả rõ rệt đối với ngư dân.
>> Giá xăng, dầu tiếp tục giảm từ 22/11 Từ 11 giờ ngày 22/11, giá bán xăng, dầu được điều chỉnh giảm tối thiểu: 1.141 đồng/lít xăng RON 92; khoảng 585 đồng/lít dầu diesel 0,05S; khoảng 459 đồng/lít dầu hỏa; 536 đồng/kg dầu mazut 180 CST 3,5S. Theo đó, mức giá mới của các chủng loại xăng dầu là: Xăng RON 92 là 20.251 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 18.657 đồng/lít; dầu hỏa là 19.250 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3,5S là 15.141 đồng/kg. Bên cạnh việc giảm giá bán, Bộ Công thương yêu cầu giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá hiện hành là 600 đồng/lít, kg đối với tất cả chủng loại xăng, dầu. |