Việc học hành nâng cao kiến thức cho người dân trong đất liền vốn đã khó khăn thì đối với những người dân đi đánh bắt xa bờ lại là chuyện khó khăn hơn bội phần. Ai cũng hiểu rằng cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội, muốn làm việc gì thành công cũng cần có kiến thức, với người dân bám biển cũng vậy.
Không chỉ ngư dân, con em họ cũng rất cần con chữ Ảnh: Huy Hùng
Thừa sức khỏe, thiếu kiến thức
Có mặt ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh một cái nôi đánh bắt xa bờ nổi tiếng một thời, nhưng nay thật đìu hiu. Số tàu đánh bắt xa bờ không còn nhiều. Tàu đánh cá về lại neo đậu bên Vũng Tàu, lâu lâu mới ghé qua quê hương. Người đi biển xa nhà, ròng rã hàng tháng trời ngoài biển. Vào bờ nghỉ ngơi nạp nhiên liệu, củng cố phương tiện, rồi lại đi.
Một người chủ tàu bảo: “Anh em bám biển sức khỏe thì có thừa, nhưng điều kiện học hành thì rất thiếu thốn khó khăn”. Người chủ tàu còn cho biết, nhiều địa phương có lắm tàu đánh bắt đấy, nhưng thuyền trưởng, máy trưởng toàn phải đi thuê người nơi khác, tự mình chưa đào tạo được. Khi phong trào đóng tàu sắt công suất cao, đòi hỏi bằng cấp, rất nhiều chủ tàu e ngại sợ không thuê được thuyền trưởng giỏi, lại sợ chi phí trả lương cho thuyền trưởng máy trưởng cao quá.
Nếu như trước kia, người đi biển làm công ăn lương tháng, thì nay hầu hết đều ăn chia theo sản phẩm. Đó là cách các chủ tàu muốn khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm cho người đi biển. Những chuyến đi biển thắng lớn, ai cũng mừng, thu nhập rất cao. Song các chủ tàu cũng tắc lưỡi nói: “Vì anh em muốn đánh to, thắng lớn, nên nhiều khi không ngại đi vào những vùng biển nguy hiểm sóng to gió lớn, nên người ở trên bờ cứ lo ngay ngáy”.
Để làm chủ phương tiện, đánh bắt hiệu quả, nhất là ở những vùng biển xa, đòi hỏi người ngư dân phải có kiến thức hàng hải tốt, kiến thức vận hành máy móc, xử lý các tình huống phát sinh, phải biết tương thân tương ái, giúp đỡ nhau, như anh em một nhà. Người biết chỉ người chưa biết, cùng nhau tiến lên.
Ở những vùng biển xa đòi hỏi ngư dân phải có kiến thức hàng hải tốt Ảnh: Xuân Trường
Bồi dưỡng kiến thức cho ngư dân
Thời gian vừa qua, các Đồn Biên phòng cũng thường tranh thủ lúc các tàu cập bến để mở các lớp tập huấn về kỹ năng đi biển cho ngư dân các tỉnh, được ngư dân rất hưởng ứng. Các ban ngành cũng thường tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng cứu hộ cứu nạn trên biển, đề phòng rủi ro trong mùa mưa bão. Ngư dân cũng được ngành y tế tư vấn các tủ thuốc men trên tàu đề phòng lúc cảm cúm, ốm đau. Các cơ quan chuyên ngành cũng bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ nguồn lợi biển, đảm bảo đánh bắt tốt mà vẫn giữ được tài nguyên. Những lớp truyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng được triển khai tới ngư dân. Đặc biệt là những lớp tập huấn nâng cao kỹ năng đánh bắt, nâng cao trình độ bảo quản sau thu hoạch… áp dụng các biện pháp đánh bắt hiện đại trong tìm luồng cá. Chưa kể các lớp giảng dạy về an toàn vệ sinh thực phẩm trong đánh bắt, bảo quản hải sản…
Tính ra, mỗi người ngư dân bám biển đã và đang trải qua hàng chục lớp học, lớp tập huấn bồi dưỡng về nhiều lĩnh vực gắn với công việc của mình. Rõ ràng, công việc vốn đã vất vả cực nhọc, mà kiến thức vẫn phải bồi đắp thường xuyên.
Tuy vậy, khi trả lời báo chi, nhiều ngư dân miền Trung đã bộc bạch rằng: “Không ít trường hợp đánh bắt ngoài khơi xa, tàu máy bỗng dưng bị hỏng thì tất cả các thuyền viên lẫn chủ tàu chỉ còn cách nhờ vào sức gió căng buồm để lênh đênh trên biển. Thuyền viên thiếu, yếu về tay nghề kỹ thuật để có thể sẵn sàng khắc phục sự cố máy móc, phương tiện tàu thuyền là thực trạng đang tồn tại hiện nay”.
Một số chuyên gia hàng hải cho rằng, để chủ động bám biển, chúng ta cần đạo tạo và trẻ hóa đội ngũ máy trưởng, thuyền trưởng thuyền viên, bằng cách mở nhiều trường đào tạo ở các tỉnh ven biển, có chế độ ưu đãi về học bổng học phí. Mở nhiều khoa đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên vững vàng về máy móc hiện đại. Số trường, số khoa đào tạo thuyền viên, máy trưởng thuyền trưởng cho ngành đánh bắt thủy sản của ta hiện nay rất hạn chế, ít ỏi. Bởi vậy mà tuy có máy móc hiện đại, nhưng nhiều tàu cá chủ yếu vẫn “sử dụng kinh nghiệm đánh bắt là chính, ít khi dùng tới máy móc”.
Để thu hút lao động biển đi học nâng cao trình độ, ngoài việc kiểm soát bằng cấp chứng chỉ, cũng cần có chế độ bồi dưỡng, có học phí để khuyến khích người học. Từ một thế hệ được đào tạo tốt, sẽ là nền móng gầy dựng những thế hệ kế tiếp theo.
Giấc mơ bám biển, bảo vệ chủ quyền và làm giàu chính đáng phụ thuộc nhiều vào kiến thức của người ngư dân ngày càng được vun đắp như thế nào. Làm chủ biển đảo bên cạnh tình yêu với nghề, với quê hương, còn bao gồm cả những kiến thức từ truyền thống tới hiện đại. Bởi vậy khát khao được học hành nâng cao kiến thức của ngư dân là hết sức chính đáng và cần được quan tâm nhiều hơn, không chỉ bằng chủ trương mà còn bằng cả chính sách của nhà nước.