Với hầu hết du khách đến với Lý Sơn (Quảng Ngãi), ốc cừ là một đặc sản không thể không thưởng thức khi ra đất đảo. Những năm gần đây, lượng du khách đến với Lý Sơn ngày càng đông cũng như nguồn tiêu thụ ở trong đất liền ngày càng tăng cao đã gây áp lực lên loài ốc đặc sản này.
Mưu sinh
Sau gần 1 ngày ra khơi vật lộn trên biển lặn ốc cừ, ngư dân Nguyễn Thanh Sang (50 tuổi) ở thôn Tây, xã An Vĩnh cùng con trai trở về bờ với chiến lợi phẩm khoảng 50kg ốc cừ.
Cùng con trai vận chuyển số ốc cừ lên bờ bán cho các điểm thu mua, ngư dân Nguyễn Thanh Sang trầm giọng cho biết: Những chuyến ra khơi trước cha con tui kiếm được khoảng 70 – 80kg ốc cừ, chưa kể các loại ốc khác, nhưng hôm nay chỉ được khoảng 50kg. Với lượng ốc này, sau khi trừ hết chi phí thì chia ra thu nhập mỗi người cũng chỉ vài trăm nghìn.
Cũng không thu được nhiều ốc cừ như những chuyến ra khơi trước đó, ngư dân Nguyễn Sinh ở thôn Tây xã An Vĩnh cho hay: Bình thường ngày trước, một người lặn chuyên nghiệp 1 ngày cũng thu được 40 – 50 kg ốc cừ, nhưng bây giờ thì không còn được như vậy.
Theo ngư dân Nguyễn Sinh, loại ốc cừ sinh sống nhiều quanh các gành san hô ven đảo, ngày trước ra khỏi đầu sóng chỉ cần chiếc gương lặn cùng cây vợt, hì hục dưới nước vài giờ đồng hồ là đã bắt được cả mấy chục ốc. Tuy nhiên vài năm trở lại đây do khai thác quá mức nên nguồn ốc cừ sống ven đảo ít dần. Do đó muốn có thu nhập cao thì phải chuyển đổi cách thức khai thác từ lặn bộ, chuyển sang lặn hơi sâu dưới 10 mét nước.
Buổi chiều, ốc cừ sau khi khai thác về được đập vỏ để lấy ruột
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nghề lặn ốc cừ hoạt động quanh năm. Ngư dân chỉ với một thuyền máy công suất nhỏ, có gắn hệ thống nén khí và vài chục mét dây hơi là có thể hành nghề. Song, những người hành nghề này cũng cần có sức khỏe để có thể dầm mình dưới nước cả ngày.
Vất vả là vậy, nhưng bù lại nguồn thu nhập từ nghề lặn ốc cừ khá cao so với nhiều nghề khai thác đánh bắt gần bờ khác. Hiện tại, ốc cừ còn nguyên vỏ giá khoảng 20 nghìn đồng/kg, ốc ruột khoảng 120 ngàn đồng/ ký. Bình quân một người hành nghề lặn ốc cừ sau khi trừ các khoản chi phí một ngày cũng có thu nhập trên dưới 500 nghìn đồng.
Với vốn đầu tư ít lại có nguồn thu nhập cao do thị trường tiêu thụ của loại ốc này khá lớn, chính vì vậy lượng người chọn nghề lặn ốc cừ để mưu sinh ngày càng nhiều khiến lượng ốc giảm rõ rệt.
Đặc sản bị “bào mòn”
Từ khi các nhà hàng đặc sản trên đất đảo cũng như nhiều nhà hàng, quán nhậu trong đất liền thu mua để phục vụ thực khách, ước tính mỗi ngày có hàng tấn ốc cừ được ngư dân khai thác để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Dạo quanh một số điểm thu mua ốc cừ trên đất đảo, qua quan sát, chúng tôi nhận thấy không chỉ riêng ốc cừ lớn mà ốc nhỏ cũng được ngư dân khai thác. Cùng với số ốc khai thác được tiêu thụ tại địa phương, số còn lại được sơ chế lấy ruột để chuyển vào đất liền tiêu thụ.
Ốc cừ sau khi được sơ chế được đưa đến các nhà hàng tiêu thụ.
Không thể phủ nhận, với nguồn lợi ốc cừ trên đảo, đời sống của nhiều ngư dân hành nghề khai thác ốc cừ được cải thiện, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nhưng điều đáng nói, việc bắt ốc hoàn toàn mang tính tự phát của người dân và do nhu cầu của thị trường đã khiến nguồn ốc tự nhiên bị cạn kiệt.
Nhằm hướng đến sự khai thác mang tính bền vững, thiết nghĩ nên có những khuyến cáo cụ thể về chu trình và tốc độ sinh sản của loài ốc này để người dân có ý thức trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi này.