Nghề biển và hoạt động liên quan đến nuôi trồng thủy sản của người nông dân vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi đối mặt với nhiều thách thức. Mong muốn của họ là có giải pháp tháo gỡ để sản xuất “êm” trở lại.
Khó chồng khó
Trong nuôi trồng, do tình hình dịch bệnh, môi trường, thời tiết bất lợi, cộng với giá cả trên thị trường thay đổi thất thường, người nuôi không mặn mà và nhiều lần rơi vào cảnh “thăng trầm”. Nhiều hộ nông nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL đã ngán ngẩm, không muốn sản xuất, vì càng nuôi càng lỗ “đậm”. Nhiều tỉnh, thành đã phải công bố dịch bệnh trên tôm, khoanh vùng dịch bệnh, công bố nhận gói hỗ trợ từ Trung ương. Ông Lê Văn Toàn, xã Phú Thuận (huyện Phú Tân, Cà Mau) ngán ngẩm: Việc nuôi tôm từ đầu năm đến nay thất bát khi nắng nóng kéo dài, cộng với mưa nhiều, khiến tôm nuôi chết sạch, chưa kể dịch bệnh. Do đó, ông đã ngưng thả giống từ vài tháng nay.
Ngư dân ra khơi phải đối diện với nhiều thử thách – Ảnh: Việt Hương
Còn về khai thác, những hội viên ngư dân cũng ngao ngán khi tình hình khai thác chưa bao giờ “xuôi chèo mát mái”. Ngư dân phải đối mặt với cả thiên tai và nhân tai; hàng triệu ngư dân ngày đêm bám biển trong nơm nớp lo sợ bị tàu nước ngoài tấn công. Bởi những vụ tấn công ngày càng diễn ra nhiều, dã man, gây thiệt hại rất lớn về vật chất, thậm chí cả tính mạng của ngư dân. Chưa kể nguồn tài nguyên biển đang dần cạn kiệt. Vụ xả thải chất độc của Formosa thời gian qua có thể ví như chất độc da cam trên biển. Đối mặt với thảm họa này, ngư dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chờ đợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước và biện pháp khôi phục nguồn tài nguyên biển để sớm hành nghề trở lại.
Chia sẻ khó khăn
Ông Phạm Nam Dương, Chủ tịch Hội Thủy sản Trà Vinh cho biết, do tình hình nuôi trồng có nhiều khó khăn, đặc biệt là nuôi tôm và cá tra, giá tôm tăng nhưng nông dân không có tôm bán, vì nuôi tôm gặp đại hạn do dịch bệnh, cá tra giá trồi sụt, nông dân không còn mặn mà. Để ổn định việc nuôi trồng, cần phải có sự hỗ trợ từ phía các ban ngành, từ chính sách ổn định việc nuôi tôm, đảm bảo môi trường, thức ăn, con giống, đến tiêu thụ sản phẩm. Liên kết theo chuỗi là vấn đề đã được nói nhiều nhưng xem lại khâu thực hiện ra sao, thực hiện thế nào cho hiệu quả.
Về chính sách hỗ trợ cho ngư dân bị thiệt hại, theo Hội Nghề cá Việt Nam, cần ưu tiên người dân vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ, giúp giảm áp lực cho nguồn lợi hải sản ven bờ đang bị hủy hoại, cần tái sinh. Đồng thời, xây dựng chính sách ngư dân chuyển đổi nghề, có việc làm mới. Trong đó, ưu tiên cho ngư dân, con em ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng sự cố Formosa đến tuổi trưởng thành được đi xuất khẩu lao động và một số chính sách khác. Bộ Tài nguyên – Môi trường đang đánh giá mức độ an toàn của biển; từ đó đưa các giải pháp tiếp theo nhằm khôi phục, phát triển sản xuất cho người dân, nhất là vùng nuôi lồng bè ven biển.
Song song đó, trong chính sách ngoại giao, cần kiên trì lên án những hành động của Trung Quốc và các đối tượng gây thiệt hại cho ngư dân, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đồng thời, có biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của ngư dân.
>> Ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam: Khi gỡ khó, cần phải tập trung tìm hiểu nguyện vọng của người dân, tháo gỡ, hỗ trợ những thiệt hại. Về lâu dài, cần hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm tại địa phương cho phù hợp. |