“Giải mã” thành quả thủy sản Việt Nam 2010

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – 2010 được nhận định là một năm nhiều thành công của ngành thủy sản. Thành công đó là công sức của tất cả, là tổng hợp của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Hãy cùng Thủy sản Việt Nam nhìn lại một lần nữa thành quả này qua đánh giá của một số chuyên gia trong ngành…

 

2010 đánh dấu thành công vượt bậc của thủy sản Việt Nam   Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

 

Ông Phạm Anh Tuấn –  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Tốc độ tăng trưởng cao, nhưng chưa bền vững

So với kế hoạch, ngành thủy sản đã đạt và vượt dự kiến, tốc độ tăng trưởng trung bình tăng, nuôi trồng tăng 9%, khai thác tăng 5%… Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa thực sự bền vững, cơ cấu khai thác ven bờ vẫn cao, thiên tai, bão lụt nhiều, đe dọa đến sự an toàn ngư dân. Trong nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh vẫn còn nhiều, cá tra chiếm tỷ trọng lớn trong nuôi trồng, nhưng vẫn chưa kiểm soát được quan hệ cung – cầu; giá nguyên vật liệu cho đầu vào vẫn cao… Tuy nhiên, năm 2010, ngành thủy sản cũng ghi nhận nhiều điểm nổi bật: Trong nuôi trồng, nhất là nuôi tôm, rủi ro giảm đáng kể, được giá. Về khai thác, một số ngư lưới cụ mới được đưa vào sử dụng, nhờ đó hiệu quả đánh bắt tăng; thêm nữa, nước ta đã đạt được một số thỏa thuận thống nhất với một số nước trong khu vực về khai thác. Thứ ba, nhiều tổ, đội sản xuất trên biển được thành lập, điều này không những giúp nâng cao năng suất khai thác, mà còn đảm bảo trong vấn đề an toàn khai thác.

 

 

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam

4,94 tỷ USD – “phần nổi” của tảng băng

Ngành thủy sản năm 2010 có thắng lợi vượt bậc, dù trải qua rất nhiều khó khăn. Trong đó, phải đặc biệt nhắc đến con tôm. Con tôm đã tạo nên một thắng lợi lớn, góp phần đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu 4,94 tỷ USD. Tuy nhiên, 4,94 tỷ vẫn chỉ là phần nổi của “tảng băng”, vì xuất khẩu thì đã được khẳng định, nhưng nội địa vẫn còn rất tiềm năng. Do vậy, phải phấn đấu để ngành thủy sản khẳng định vị trí trong nền kinh tế quốc dân. Tạo “sức ép” để Chính phủ đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành thủy sản.

Năm 2010, Hội Nghề cá Việt Nam đã có tiếng nói mạnh mẽ và kịp thời bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của những người nuôi trồng và chế biến thủy sản, nhất là trong vấn đề đảm bảo cho ngư dân khai thác biển. Có tiếng nói để Chính phủ, các cơ quan nhà nước quan tâm hơn, kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, nhất là về vốn cho sản xuất, nuôi trồng, như can thiệp việc tăng giá nguyên liệu, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản… Đến các cơ quan nước ngoài, như vụ WWF 6 nước châu Âu đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ”… Tất cả đã giúp nâng cao uy tín Hội và tạo ảnh hưởng để Hội Nghề cá các tỉnh và ngư dân mạnh dạn cùng Trung ương Hội góp thêm tiếng nói, tạo thành phong trào chung của Hội Nghề cá tự vận động để sao cho có một giá trị nhất định, trong việc thực hiện giá trị sản xuất.

 

 

Ông Nguyễn Tử Cương – Giám đốc FITES

 Thành công của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Năm 2010, sản lượng thủy sản Việt Nam đạt 5,295 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,94 tỷ USD (tăng 11,4% so với năm 2009). Có thể nói thành công của ngành thủy sản là sự thành công của sự vận dụng tốt 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Trước hết nói về “thiên thời”: Đầu năm 2010, tôm giống thả nuôi tại một số tỉnh Nam bộ bị mặn xâm nhập và bị bệnh cục bộ, nhưng đã được khắc phục kịp thời. Các tỉnh miền Trung bị lũ lụt nặng nhưng thời điểm xảy ra vào cuối vụ nuôi và do làm tốt công tác dự báo để người dân chủ động thu hoạch nên thiệt hại không đáng kể. Mặt khác, kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi, sức tiêu thụ và giá thủy sản ở các thị trường đều tăng. Hai mặt hàng chủ lực là tôm giá tăng đều trong các tháng, giá cá tra tuy có giảm chút ít, nhưng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ổn định, các doanh nghiệp không gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết đầu ra.

Thứ hai, nói về “địa lợi”: Việt Nam là nước nhiệt đới, rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, năm 2010, sản lượng nuôi trồng đạt 2,8 triệu tấn (tăng 11,2% so với năm 2009). Sự tăng trưởng này đã góp phần rất quan trọng vào việc tăng trưởng sản lượng thủy sản, đặc biệt là cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu.

Thứ ba là “nhân hòa”: Nhìn chung đã có sự phối hợp tốt hơn giữa những người sản xuất nguyên liệu và các nhà chế biến xuất khẩu nên tình trạng dư thừa hoặc khan hiếm nguyên liệu đã bớt căng thẳng hơn so với các năm trước đây. Đã có sự phối hợp tốt hơn trong đảm bảo an toàn bệnh dịch, an toàn môi trường, an toàn thực phẩm ở tất cả các công đoạn của chuỗi sản xuất thủy sản đã đạt được tiến bộ đáng kể. Nhờ vậy, chúng ta đã kiểm soát tốt Trifluralin trong tôm xuất khẩu vào Nhật Bản. Thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam tăng từ 140 (năm 2009) lên 150 (năm 2010), trong đó có những thị trường kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm như Brazil, Chile. Đặc biệt là đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&PTNT (Tổng cục Thủy sản) với Hội Nghề cá Việt Nam và VASEP trong việc đấu tranh chống những rào cản phi lý ở một số thị trường nhập khẩu. Điển hình là đầu năm 2010, ta đấu tranh với Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến cá tra Việt Nam phải sử dụng lại tên catfish. Cuối năm, chúng ta đã đấu tranh mạnh mẽ trong việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) căn cứ vào giá thành sản xuất cá da trơn của Philippines làm căn cứ để tính giá cá tra Việt Nam, và mới đây nhất chúng ta đã buộc WWF tại 6 nước châu Âu đưa cá tra Việt Nam ra khỏi “danh sách đỏ” trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản. Những thành công nêu trên là sự cố gắng và nỗ lực chung của toàn ngành thủy sản.

 

 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP

Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 sẽ tăng

Năm 2010, một năm với những biến động lớn nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn gặt hái những thành công với kim ngạch xuất khẩu gần 5 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra của cả năm. Năm 2011, không thể nói là một năm lạc quan của ngành thủy sản Việt Nam. Trong hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra, basa thì cá tra, basa đang đối diện với tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài, chúng ta chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 360.000 tấn, giảm 280.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2010.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới đang có xu hướng tăng, đặc biệt là tại 3 thị trường truyền thống là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Do đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ tăng hơn năm 2010 và sẽ vượt mốc trên 5 tỷ USD. Nhưng trong năm nay, việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của các quốc gia nhập khẩu sẽ khắt khe hơn, vì thế, doanh nghiệp cần chú ý để không ảnh hưởng đến kế hoạch cũng như chiến lược mở rộng thị trường của mình.

 

 

Thu Hồng – Ngọc Hùng (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!