Trên vùng biển Cà Mau, thường xuyên có từ 10 đến 15 nghìn tàu khai thác thủy sản; trong đó có hàng nghìn tàu công suất nhỏ, hoạt động ven bờ dẫn đến nguy cơ nguồn lợi thủy sản bị tận diệt.
Tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS), nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Nhiều nghề cấm khai thác vẫn “nở rộ”!
Tỉnh Cà Mau hiện có 4.661 phương tiện khai thác thủy sản, với tổng công suất gần 451 nghìn CV, trong đó có 991 tàu đăng ký khai thác xa bờ; số còn lại là phương tiện có công suất máy từ 90 đến nhỏ hơn 20 CV.
Với ngư trường rộng hơn 80 nghìn km2, vào thời điểm mùa vụ, ngoài số tàu của tỉnh, còn có từ 10 đến 15 nghìn phương tiện của tỉnh ngoài vào khai thác thường xuyên trên vùng biển Cà Mau. Với số lượng phương tiện như vậy, vùng biển Cà Mau trở nên quá chật hẹp và việc áp dụng đa dạng nghề khai thác đã làm cho sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày càng giảm.
Ðó là chưa kể đến các phương tiện đóng đáy, đẩy te, đăng, đó… trên sông và các cửa biển đang ngày đêm vét cạn nguồn lợi thủy sản ven bờ. Chi cục trưởng BVNLTS Cà Mau Ðỗ Chí Sỹ thừa nhận: UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định nghiêm cấm khai thác thủy sản ven bờ đối với các nghề gây sát hại, làm tận diệt tôm, cá.
Việc cấm này được triển khai trong vùng biển có độ sâu từ năm đến bảy mét nước bảo vệ bãi sinh sản, vùng sinh trưởng của các giống, loài thủy sản. Tuy nhiên, đến nay, nghề khai thác ven bờ xem ra vẫn không giảm, ngược lại đang có chiều hướng tăng. Hiện toàn tỉnh Cà Mau còn gần 1.500 tàu có công suất máy từ 20 CV trở lại; trong đó chỉ 40% được các địa phương ven biển quản lý; số còn lại không đăng ký và thường xuyên lén lút hoạt động với các nghề cấm khai thác.
Bờ biển Cà Mau dài hơn 250 km, gần 100 cửa biển, sông, kênh rạch nhỏ chằng chịt thông ra biển; dụng cụ đánh bắt cào mé, xiệp, te, lưới vây, sử dụng xung điện khai thác khá đơn giản, gọn nhẹ cho nên khi đang hành nghề trái phép tuyến bờ mà bị tàu của đội kiểm ngư kiểm tra thì việc vứt bỏ số công cụ này xuống biển và trốn chạy vào các kênh rạch là việc không mấy khó khăn.
Thời gian qua, việc tiến hành kiểm tra trên biển và thu giữ công cụ hành nghề trái phép đã không ít lần xảy ra tình trạng ngư dân chống đối lực lượng kiểm ngư đang làm nhiệm vụ. Cà Mau có 21 xã nằm dọc theo tuyến ven biển và các phương tiện vi phạm hành nghề cấm khai thác vẫn còn nhiều. Hầu hết các địa phương này đã tuyên truyền, phổ biến chủ trương BVNLTS, nhưng làm chưa triệt để; phối hợp chiếu lệ và trông chờ vào lực lượng kiểm ngư là chủ yếu.
Tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, nơi tập trung khá nhiều phương tiện công suất nhỏ, nhiều ngư dân cho biết, do đời sống khó khăn, họ thường xuyên vi phạm nghề cấm khai thác.
Ngư dân Nguyễn Văn Ba, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, cho biết: Gia đình ông có hai phương tiện dưới 20 CV, chỉ khai thác gần bờ và nếu một đêm ra biển, quay về tiền lãi bán tôm, cá tạp cũng từ 400 đến 500 nghìn đồng, và nghề này đã nuôi sống gia đình ông hàng chục năm qua. Do mối lợi sát sườn, cho nên nhiều ngư dân vẫn lén lút vi phạm quy định về BVNLTS.
Giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Chánh Thanh tra ngành thủy sản Cà Mau Phạm Thế Tài cho biết: Việc nguồn lợi thủy sản ven bờ bị khai thác bằng các hình thức tận diệt đã diễn ra từ nhiều năm nay. Dù các ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp khôi phục, nhưng xem ra chưa thật sự mang lại hiệu quả. Bởi lẽ, các biện pháp được áp dụng chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ là cuộc sống của người dân ven biển. Nhất là gần đây, khi giá xăng, dầu, chi phí đi biển tăng cao, nhiều ngư dân ngại ra khơi do lỗ vốn cho nên chỉ hoạt động khai thác theo tuyến ven bờ.
Phụ trách thủy sản thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) Trần Thanh Mỹ xác nhận: Toàn thị trấn có 1.356 tàu; trong đó có 450 tàu công suất dưới 20 CV, chủ phương tiện không đăng ký, đăng kiểm và đánh bắt “chui” theo tuyến ven bờ. Tình trạng chủ phương tiện làm nghề khai thác ven bờ thu nhỏ dần kích thước mắt lưới nhằm khai thác triệt để, không bỏ lọt cá, tôm nhỏ là khá phổ biến đã khiến cho nguồn lợi biển Cà Mau ngày càng cạn kiệt nhanh.
Ðể bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh Cà Mau tăng cường công tác hoạt động kiểm ngư trên các vùng biển phía tây, phía đông trên cả ba tuyến: khơi – lộng – bờ, nhất là công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Khẩn trương xây dựng, thiết lập các trạm kiểm ngư tại các cửa biển trọng điểm trên vùng biển Cà Mau như: Sông Ðốc, Khánh Hội, Cái Ðôi Vàm, Rạch Gốc, Hố Gùi theo Dự án Bảo vệ nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Ðồng thời xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm, nhất là bãi sinh sản ở tuyến ven bờ mới được bảo tồn, khôi phục. Nghiêm cấm các nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt, sát hại nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, trên thực tế đó chỉ là biện pháp tình thế nhằm lập lại trật tự trong khai thác, chưa phải là biện pháp mang lại hiệu quả cao và dài lâu.
Do đó, phải có sự phối hợp thống nhất giữa chính quyền các địa phương ven biển thực hiện đồng bộ các biện pháp; có chính sách, cách làm thiết thực giúp ngư dân và chủ các phương tiện công suất nhỏ chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm phù hợp để họ dần ổn định cuộc sống. Về lâu dài, việc quy hoạch vùng, khu vực và mùa vụ khai thác cần phải làm bài bản, khoa học và công khai để đông đảo ngư dân biết và tích cực tham gia tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.