Hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) (TBD) đã được nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản và Australia để thay thế một số loài hàu bản địa đang bị cạn kiệt nghiêm trọng do đánh bắt quá mức hoặc dịch bệnh. Giải pháp công nghệ trong sản xuất giống hàu giống TBD dạng bám và dạng đơn là hết sức cần thiết, góp phần phát triển mạnh đối tượng này và đa dạng hóa mô hình nuôi hàu thương phẩm cho các tỉnh ven biển Việt Nam.
Hàu bố mẹ
Hàu bố mẹ được tuyển chọn từ tự nhiên hoặc từ các cơ sở nuôi thương phẩm. Các cá thể bố mẹ được tuyển chọn vỏ không bị dập vỡ, lựa chọn các cá thể trên 9 tháng tuổi, có kích thước > 8 cm và > 70 g/con, có tuyến sinh dục (TSD) phát triển đầy đặn, bao phủ gần hết phần nội tạng, TSD đang ở giai đoạn II – III được lựa chọn để tiến hành nuôi vỗ và cho sinh sản. Số lượng hàu bố mẹ cần thiết cho sinh sản tùy thuộc vào yêu cầu và quy mô của từng đợt sản xuất.
Hàu bố mẹ được nuôi vỗ trong bể 2,5 m3, 300 con/bể và nuôi ở điều kiện nhiệt độ 24 – 280C, độ mặn 28 – 30‰, pH 7,6 – 8,4. Tảo cung cấp đầy đủ với 3 loài (Nanochloropsis oculata, Isochrysis galbana, Chaetoceros calcitrans), có thể phối trộn thêm tảo Tetraselmis. Cho ăn 180.000 – 200.000 tb/ml. Mỗi ngày thay 1/3 thể tích, những ngày cuối cùng của chu kỳ nuôi không cần thay nước. Sau 2 tuần nuôi vỗ, lúc này các cá thể lúc này đều có TSD ở giai đoạn III, thành thục > 80% thì tiến hành cho sinh sản.
Hàu giống bám trên các giá thể là vỏ hàu
Dùng phương pháp thay đổi nhiệt để kích thích hàu sinh sản, biên độ nhiệt dao động trong khoảng 5 – 60C và kết hợp NH4OH, sau thời gian kích thích từ 1,5 – 2h hàu bắt đầu phóng tinh đẻ trứng. Với phương pháp thụ tinh này tỷ lệ thụ tinh đạt 95%, tỷ lệ nở đạt trên 80%. Sau khi hàu đẻ xong tiến hành thu trứng qua vợt mắt lưới 40 µm và đưa vào các bể ấp với mật độ 10 – 15 trứng/ml.
Kỹ thuật ương nuôi ấu trùng
Khoảng 16 – 24h sau khi trứng thụ tinh, phôi phát triển thành ấu trùng (ÂT) chữ D, kích thước của ÂT 65 µm. Từ ngày thứ 2, các cơ quan nội tạng phát triển và hoàn thiện, lúc này ÂT có thể bắt mồi từ môi trường ngoài. Thức ăn cho giai đoạn này là tảo Nanochloropsis occullata, cho ăn 30.000 – 40.000 tb/ml. Ở ngưỡng nhiệt độ 24 – 280C, tỷ lệ sống của ÂT cao đạt 85 – 95%, tỷ lệ dị dạng thấp, ở ngưỡng nhiệt độ thấp 18 – 200C phôi phát triển chậm sau 20 giờ mới thấy xuất hiện ÂT Trochophore và đỉnh vỏ thẳng sau 36h. Tỷ lệ sống đến giai đoạn ÂT đỉnh vỏ thẳng thấp 25 – 30%. Sau 4 – 5 ngày, ÂT chuyển sang giai đoạn Umbo trung kỳ xuất hiện đỉnh vỏ, kích thước ÂT đạt 100 – 120 µm. Thức ăn cho giai đoạn này là hỗn hợp 3 loài tảo 1/3 Nanochloropsis oculata, 1/3 Isochrysis galbana, 1/3 Chaetoceros calcitrans; cho ăn 60.000 – 80.000 tb/ml. Sau 12 ngày, ÂT đạt đến giai đoạn hậu kỳ đỉnh vỏ. Cuối giai đoạn hậu kỳ, ÂT đã xuất hiện điểm mắt, kích thước ÂT tăng nhanh, lúc này cho ăn thức ăn hỗn hợp trên với lượng 100.000 -140.000 tb/ml, tốc độ tăng trưởng trung bình qua các giai đoạn ÂT đạt 11,8µm + 0,011/ngày, thời gian biến thái là 15 ngày, tỷ lệ sống đạt đến giai đoạn hậu kỳ đỉnh vỏ > 64%.
Khi ÂT có chân (giai đoạn biến thái hoàn toàn), kích thước đạt 300 µm thì cần phải tiến hành xử lý kịp thời, đây là dấu hiệu kết thúc giai đoạn sống trôi nổi. Tiến hành thu ÂT để xử lý thành giống hàu bám và hàu đơn bám để thu con giống bám.
Sản xuất giống hàu bám
Vật bám được sử dụng tốt nhất là vỏ hàu TBD thương phẩm. Vỏ được vệ sinh sạch sẽ, xâu lại thành chuỗi với số lượng từ 80 – 100 vỏ/dây và kết 4 dây vào một chùm để tiến hành cho ÂT bám. Mật độ ÂT bám vào vật bám khoảng 20 – 25 ÂT/vật bám. Ấu trùng được lọc phân cỡ bằng lưới lọc và chỉ đưa ÂT có kích thước trên 300 µm vào bể xử lý bám. Theo dõi thường xuyên và đưa vật bám ra kịp thời khi đã đạt mật độ bám để tránh lãng phí ÂT và giảm hiệu quả nuôi thương phẩm sau này. Chỉ cho 2 – 3 đợt vật bám với mỗi mẻ ÂT xử lý để đạt hiệu quả bám cao và mật độ bám đồng đều.
Sau khi con giống bám được 10 – 15 ngày > 3 mm thì tiến hành chuyển giống ra ngoài bể lớn hoặc ao ương đã chuẩn bị sẵn thức ăn tảo. Sau 20 – 25 ngày ương đạt > 0,5 cm thì tiến hành thu và chuyển giống ra bè ngoài tự nhiên phục vụ san tách nuôi thương phẩm.
Sản xuất giống hàu rời
Ngay từ giai đoạn ÂT xuất hiện điểm mắt và chân bò thì tiến hành thu và đưa vào trong các chậu nhựa có đường kính 50 cm, đáy có lót lưới 250 µm để xử lý thành giống hàu đơn.
Lần 1: Xác định số lượng ÂT cần xử lý và cân lượng Epinephrine phù hợp và hòa tan chúng trong nước ngọt. Thông thường sử dụng Epinepherine để xử lý cho bám rời với lượng 1 – 1,2 g/3 triệu ÂT Spat (tương đương 50 g ÂT)/20 lít nước biển. Chuẩn bị một thể tích nước biển sạch phù hợp với số lượng ÂT và lượng hóa chất đã tính và hòa đều dung dịch hóa chất vào đó. Đưa ÂT vào xử lý và sục khí nhẹ trong 60 phút. Bể xử lý cần được che tối để tránh tác động của ánh sáng làm mất tác dụng của hóa chất. Sau 60 phút, ÂT được lọc ra, được rửa nhẹ bằng nước biển sạch và đưa vào các khay có lưới lọc với cỡ mắt lưới phù hợp (212 – 250 µm) để ương. Sử dụng một đầu bịt tạo các tia nước nhỏ và nhẹ nhàng rửa ÂT để tách một số bám vào mặt lưới và thành khay sẽ giúp ngăn cản ÂT vừa xử lý bám vào lưới và thành khay ương.
Ương hàu giống dạng đơn
Lần 2: Trước khi xử lý lặp lại, cần phân tách số ÂT đã chuyển giai đoạn khỏi số ÂT chưa chuyển giai đoạn và lặp lại quá trình xử lý. Có thể kết hợp số ÂT chưa chuyển giai đoạn của mẻ trước với số ÂT cần xử lý lần đầu của mẻ sau nếu có số lượng đủ lớn và kịp thời để tiết kiệm lượng hóa chất sử dụng, thời gian xử lý không vượt quá 90 phút/lần. Khi thấy nước chuyển sang màu phớt hồng thì thu và rửa ÂT bằng nước biển và chuyển ÂT vào các chậu nhựa đáy có lót lưới 250 µm. Các khay được đặt trong các bể elip 2,5 m3 với hệ thống máy bơm công suất 370 W để bơm tuần hoàn cung cấp dưỡng khí và thức ăn đồng đều cho các khay ương trong mỗi bể.
Mật độ ương 250.000 – 500.000 ÂT/chậu. Khi con giống đạt 3 mm thì đưa ra khay nuôi thành giống cấp 2. Thức ăn cho ÂT hàu giai đoạn này là tảo Chaetoceros muelleri, Chaetoceros calcitrans, Isochrysis galbana các loài tảo khác như Tetracelmis chui, Nannochloropsys galbana chỉ bổ xung với tỷ lệ 10 – 15%/loài. ÂT ăn 2 lần/ngày với mật độ tảo 80.000 – 160.000 tb/ml/ngày khi đạt đến cỡ 1 – 2 cm.
Quản lý và chăm sóc ấu trùng dạng đơn
Vệ sinh khay 1 lần/ngày và vệ sinh mặt lưới bằng nước ngọt để loại bỏ các chất thải và đảm bảo độ thoáng của mặt lưới. Bể và các vật dụng được vệ sinh bằng axit oxalic trước khi đưa vào sử dụng lại để loại bỏ các tác nhân gây bệnh tiềm ẩn.
Định kỳ 3 – 5 ngày phân lọc ÂT và điều chỉnh mật độ ương phù hợp. Sau 15 ngày ương, hàu đạt cỡ 3 – 5 mm tiến hành thu và chuyển sang hệ thống bể ương lớn hơn có hệ thống khay khung tre dài 7 m, rộng 1 m với kích thước mắt lưới 2a=1,5 mm. Khay nuôi hàu được làm bằng tre khô hoặc gỗ, thiết kế khay không quá nhỏ, thông thường 0,7×3 m tùy theo chiều dài bể để thiết kế cho hợp lý để tận dụng hết diện tích. Giữa các khay phải bố trí đường đi để vào vệ sinh hàng ngày. Trên mặt khay được căng lưới cước với kích cỡ mắt lưới <2 mm (cỡ lưới không làm lọt hàu).
Khay được đặt cách đáy > 30 cm. Mật độ ương 8 – 10 vạn con/m2 khay, rải đều hàu giống trên mặt khay, mỗi khung tre ương từ 150.000 – 200.000 hàu rời cỡ 3 – 5 mm. Có thể dùng bể ương bằng bể xi măng hoặc bể compzit. Sau thời gian ương 15 – 20 ngày trên bể, lúc này hàu giống đạt kích thước 5 mm tiến hành thu hoạch đưa ra bè để nuôi thành con giống cấp 2 cỡ 1 – 2 cm phục vụ nuôi thương phẩm trong khay.
TS Cao Trường Giang – Viện Nghiên cứu NTTS I
Tôi đang tìm hiểu để có thể tự ươm được hàu giống. Không biết tôi có thể tìm đến đâu để được hỗ trợ hoặc đào tạo ạ ?
Cho xin số điện thoại để tiện liên lạc