Giải pháp cung – cầu hàng nông sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có không ít cơ sở phải dừng hoạt động do không thể đáp ứng tiêu chí sản xuất “3 tại chỗ” và cả việc thực hiện theo phương án này cũng gặp rất nhiều bất cập. Do vậy, cấp thiết cần có những giải pháp tháo gỡ, để nhanh chóng ổn định sản xuất.

Duy trì sản xuất, cung ứng

Tại cuộc họp trực tuyến về hoạt động của Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT ngày 3/8; Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 cho biết, lượng lương thực, thực phẩm vào TP Hồ Chí Minh đảm bảo đủ, sản xuất ổn định nhưng lưu thông còn khó khăn. Tổ công tác phía Nam đã tổng hợp khoảng 580 đầu mối cung cấp nông sản. Việc lưu thông hàng hóa đã có sự thông thoáng hơn so với trước, nhưng vẫn gặp khó chủ yếu là cấp xã, thôn. Vừa qua, nhiều đơn vị sản xuất không đảm bảo “3 tại chỗ” nên có sự lây nhiễm, đặc biệt một số doanh nghiệp giấu dịch khiến địa phương mới phải yêu cầu dừng hoạt động. Các doanh nghiệp thủy sản chỉ có 30% là hoạt động, nhưng công suất cũng chỉ đạt từ 30 – 40%. Hiện nay, việc triển khai tiêm vaccine cho công nhân ở các doanh nghiệp chưa đồng đều. Có doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân nhưng mới chỉ được tiêm 1/4 lao động. Đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine cho các nhà máy chế biến thủy sản để tránh ảnh hưởng chuỗi cung ứng. Tính đến 9/8, Tổ công tác 970 đã kết nối được 911 đầu mối cung ứng nông sản; trong đó có 257 đầu mối cung ứng rau – củ; 224 đầu mối trái cây; 345 đầu mối về hải sản, thịt; 44 đầu mối lương thực và 41 đầu mối thực phẩm chế biến. Các đầu mối này có hình thức hoạt động rất đa dạng với 295 HTX, 343 THT; hộ gia đình, trang trại chiếm 37%. Ngoài ra, còn có 172 doanh nghiệp, 75 cơ sở khác, 6 ban quản lý chợ… tham gia. Các đầu mối cũng đã ký được nhiều hợp đồng lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là hợp đồng cung ứng 1.000 tấn thủy sản sang thị trường Singapore.

Còn vô vàn khó khăn

Ngày 10/8, Tổ công tác 3430 của Bộ NN&PTNT do Tổ trưởng là Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tổ chức cuộc họp giữa thành viên Tổ công tác cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chế biến thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt. Theo thông tin của các doanh nghiệp, việc duy trì sản xuất trong tình hình dịch COVID-19 thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực thủy sản. Ông Lê Việt, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt cho biết, giá cá rô phi của HTX hiện thấp hơn giá sản xuất từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Trong bối cảnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí lưu thông tăng, lại chưa có nhà máy chế biến sâu ở ngoài miền Bắc, sản lượng cá xuất ra giảm. Chẳng hạn, với đầu mối là chợ cá Yên Sở (Hà Nội), hiện HTX chỉ còn cung ứng 3 – 5 tấn/ngày, thay vì 10 – 15 tấn trước đây. Còn đại diện Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết, chi phí để sản xuất “3 tại chỗ” quá cao; chi phí xét nghiệm COVID-19 hàng ngày, trang bị quần áo bảo hộ cho công nhân trong nhà máy, có thể tiêu tốn tới gần 10 triệu đồng/người/ngày. Đại diện một số doanh nghiệp còn kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền có kế hoạch hiện thực hóa chuỗi sản xuất nông sản (giá giảm do chưa thiết lập được chuỗi và nên chăng cần thành lập hiệp hội chế biến thực phẩm).

Các bộ, ngành địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp để tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản. Ảnh: LHV

Về vấn đề tiêm vaccine cho người lao động, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh, yêu cầu tiêm vaccine là cấp thiết nhất cho các doanh nghiệp lúc này. Cùng đó, nên nghiên cứu quy tắc y tế tại chỗ, giống một số nước trên thế giới. Ngoài ưu tiên số một về phòng, chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp cũng cần những giải pháp căn cơ phục hồi sản xuất; chẳng hạn, giảm giá điện, các ưu đãi về bảo hiểm xã hội hay kinh phí công đoàn…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đưa ra 10 kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đồng thời duy trì sản xuất ổn định.

Cụ thể:

– Các tỉnh cần đánh giá tình hình nông sản, xây dựng phương án chế biến, tiêu thụ nhất là trong tình hình dịch; ví dụ như sản phẩm cá rô phi, ngao cần sơ chế để tiêu thụ qua kênh siêu thị. Sẵn sàng điều phối thu hoạch nông sản, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản hồi về tình hình sản xuất, tiêu thụ và khó khăn trong nuôi trồng, vật tư nông nghiệp.

– Rà soát nhu cầu khả năng cung ứng các nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất, kiến nghị những khó khăn vướng mắc, để tổ chức sản xuất cho phù hợp. Nhất là các tỉnh thành phía Nam sẽ thiếu hụt nông sản trong thời gian tới.

– Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến sơ chế nông sản, các cảng cá, bến cá hoạt động ổn định, thuận lợi kết hợp với sản xuất “3 tại chỗ”; vừa đáp ứng chống dịch mà không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo sinh kế cho hàng nghìn hộ nông dân.

– Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng tham gia sản xuất, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ nông sản (cảng cá, cơ sở chế biến…). Do nông nghiệp là ngành hàng góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, nên việc tiêm vaccine sớm là hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay.

– Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các địa phương triển khai chính sách ngắn hạn về bình ổn giá cho các mặt hàng nông sản.

 – Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước lập danh sách cơ sở doanh nghiệp để mở rộng hạn mức cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, dư nợ. Cần thiết kiến nghị có gói hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nông nghiệp.

– Các chuỗi cung ứng như siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối cần phải sớm phục hồi, bởi hàng nông sản lưu thông qua hệ thống này tới 60 – 70%.

– Mục tiêu trong năm 2021, nông sản xuất khẩu 43 tỷ USD, do đó, cần có giải pháp giữ được vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất.

– Không để ách tắc trong vận chuyển nông sản, Bộ sẽ có kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải có giải pháp tháo gỡ tạo hành lang lưu thông hàng hóa nông sản được thuận lợi. Duy trì “luồng xanh” nông sản hiệu quả hơn do đây là ngành hàng có tính mùa vụ, nên nếu ách tắc sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

– Kiến nghị tiêu chí cụ thể về sản xuất “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” để các doanh nghiệp được thuận lợi trong triển khai thực hiện. Vì hiện vấn đề này các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc rất nhiều.

An Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!