Giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu nửa cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mặc dù đã được dự báo 2023 sẽ là một năm khó khăn cho xuất khẩu thủy sản, ấy vậy mà những chông gai trên các thị trường với mức độ giảm sâu hơn nhiều so với tưởng tượng đã khiến những người trong ngành không khỏi ngỡ ngàng. Do vậy, để hoàn thành định mức như kế hoạch đặt ra, ngành thủy sản cần sớm giải quyết những vướng mắc và thách thức cả về ngắn hạn và dài hạn.

Chủ lực “đuối sức”

Xuất khẩu thủy sản cả nước tháng 5/2023 đạt trên 808 triệu USD, cao nhất từ đầu năm tới nay, cho thấy tín hiệu thị trường đang le lói ánh sáng. Tuy nhiên, nếu tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các mặt hàng chủ lực đã hạ dần mức độ sụt giảm so với cùng kỳ. Và tính đến hết tháng 6, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 41,3% kế hoạch năm. Trong đó, tất cả chủ lực đều sụt giảm rất mạnh.

   

Những tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản vẫn còn rất nhiều mối lo. Ảnh minh họa.

Trong đó, mặt hàng chủ lực là con tôm dù vẫn chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, nhưng kim ngạch ước đạt chỉ 1,56 tỷ USD, thấp hơn 31% so nửa đầu năm 2022. Còn với cá tra, tính đến hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ khoảng 885,5 triệu USD, chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng giảm tới 38% so với cùng kỳ.

Cùng đó, xuất khẩu hải sản cũng không mấy khả quan. Riêng đối với ngành hàng cá ngừ, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong tháng 6/2023 giảm 29%, chỉ đạt 64 triệu USD. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 380 triệu USD, giảm 31% so cùng kỳ.

Nhận diện khó khăn, thách thức

Đứng trước những khó khăn, thách thức hiện nay, hầu hết doanh nghiệp thủy sản xác định đây là khoảng thời gian xem xét, rà soát lại chi phí sản xuất, không mở rộng đầu tư. Cùng đó, nghiên cứu thêm các sản phẩm mới để phù hợp với bối cảnh thị trường hiện nay.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện doanh nghiệp có rất nhiều mối lo, vấn đề nguồn vốn, chi phí đầu vào cao nhưng giá bán ra không thể tăng tương ứng, chưa kể nguồn nguyên liệu cho những tháng cuối năm cũng bấp bênh vì nông dân đang rất thận trọng tái sản xuất vụ mới. Thêm vào đó, tín hiệu từ thị trường vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhiều dự đoán cho rằng trong những tháng tới sự thay đổi sẽ có nhưng có thể rất chậm. Và một số dự báo thì cho rằng, nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể tiếp tục giảm trong quý III/2023 thay vì phục hồi như những dự báo trước đây.

Trong khi đó, ngành thủy sản vẫn đang phải giải quyết nhiều vấn đề. Nặng nhất là “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu; những quy định thủ tục đối với hải sản khai thác xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Mỹ… Và theo đại diện VASEP, vị thế của thủy sản nước ta đang bị đe dọa bởi các nước sản xuất thủy sản khác có nguồn cung lớn, giá thành rẻ hơn.

Ngành thủy sản đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU. Ảnh: ST

Đứng trước những thách thức đã được nhận diện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng hiện nay lạm phát trong nước, các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu hủy/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng. Doanh nghiệp thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông ngư dân.

“Ngân hàng đóng hết các room tín dụng, không giải ngân sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành trong thời gian tới, dẫn đến đình trệ sản xuất, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Lấn cấn chuyện lô hàng sai phạm

6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm rất sâu và đã có nhiều ý kiến đề xuất cho thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trước khi trông cậy cơ hội khách quan, ngành thủy sản và các doanh nghiệp cần phải giải quyết những vấn đề nội tại, mà hiện nay, vấn đề chất lượng lô hàng xuất khẩu vẫn gây lo ngại khi còn đơn hàng bị hủy do vi phạm an toàn thực phẩm. 

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, quá trình kiểm tra phát hiện có tới 8/743 mẫu nhiễm kháng sinh trong quá trình nuôi. Hơn nữa, số đơn hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh cáo do vi phạm an toàn thực phẩm còn xảy ra. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay vẫn có tới 31 lô hàng bị cảnh báo (giảm hơn một nửa so với 66 lô của 6 tháng đầu năm 2022), trong đó có 15 lô liên quan đến dư lượng hóa chất, kháng sinh. Tuy nhiên, đáng nói là tỷ trọng giảm nhưng mức giảm tương đương tổng số thủy sản xuất khẩu giảm. 

Nhiều đề xuất được đưa ra nhằm thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm. Ảnh: ST

“Mới đây, chúng tôi đã nhận được thông tin các đoàn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Kazakhstan, Ả rập Xê út, Nga… đã có kế hoạch đến Việt Nam để thanh tra, kiểm tra về điều kiện an toàn thực phẩm thủy sản. Đây là những điều mà ngành và các doanh nghiệp cần lưu ý để có những chuẩn bị”, ông Bá Anh cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cũng nhấn mạnh, sắp tới các đoàn của Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc… sẽ sang kiểm tra trực tiếp lại nước ta. Mặc dù chỉ là những việc chúng ta đã làm nhưng sau mấy năm Covid, kèm theo những khó khăn của xung đột nên đã bị chững lại… Đây là những vấn đề cần phải giải quyết trong 6 tháng cuối năm, đồng thời tập trung tìm sáng kiến, giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra. 

Nới lỏng nguồn vốn vay

Để tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp thủy sản nói riêng, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn triển khai các giải pháp tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, ngày 14/7/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản số 5631/NHNN-TD hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Chương trình tín dụng là cứu cánh cho xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm. Ảnh: ST 

Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 – 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ với thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024.

Chương trình này có quy mô tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng trước đây). Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia Chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.

Như vậy, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, Chương trình này sẽ có những hỗ trợ rất lớn để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất – kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!