Giải pháp nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm đối với thủy sản khô

Chưa có đánh giá về bài viết

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác thủy sản lớn nhất nước (khoảng trên 12.000 chiếc). Hiện sản lượng khai thác đạt trên 400.000 tấn/năm, trong đó có nhiều loài hải sản là nguồn nguyên liệu sử dụng chế biến thủy sản khô, như mực khô, tôm khô, cá cơm sấy, cá thiều đường, khô cá chỉ vàng… được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ngoài nguồn nguyên liệu khai thác từ biển sử dụng chế biến thủy sản khô, Kiên Giang là đồng bằng có sông nước rộng lớn, vì thế nguồn nguyên liệu thủy sản nước ngọt rất phong phú để sản xuất nhiều sản phẩm thủy sản khô có giá trị kinh tế cao, như khô cá sặt rằn, khô cá lóc. Hiện toàn tỉnh có khoảng 340 cơ sở sản xuất thủy sản khô. Sản lượng thủy sản khô năm 2011 đạt trên 15.500 tấn; cá khô các loại đạt khoảng 11.500 tấn.

 

Cần có giải pháp nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản khô.

Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế về chế biến thủy sản, nhưng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản khô vẫn còn một số hạn chế. Việc bố trí nhà xưởng, trang thiết bị của cơ sở chủ yếu còn theo tập quán thói quen, đa số chưa theo quy định, chưa đáp ứng đầy đủ an toàn thực phẩm do Nhà nước quy định. Qua thực tế kiểm tra, hiện số cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định chiếm khoảng 15-20%. Các cơ sở chưa đủ an toàn thực phẩm do một số nguyên nhân chủ yếu, như đa số các cơ sở kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ (đa số kinh doanh dưới hình thức hộ cá thể). Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trong nước. Đây là thị trường dễ tính nên người sản xuất ít quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng, còn nhiều hạn chế bao bì, nhãn mác hàng hóa nên chưa có nhiều mặt hàng xuất khẩu (trừ mặt hàng cá khô). Mặt khác, đa số các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản khô chưa được tập huấn kiến thức, chưa hiểu rõ các quy định về an toàn thực phẩm nên việc tổ chức, sắp xếp sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa thực hiện đúng mức và đầy đủ theo quy định.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Kiên Giang, để nâng cao chất lương sản phẩm, đáp ứng các qui định về an toàn thực phẩm, phát triển mạnh mẽ và bền vững mặt hàng thủy sản khô thời gian tới, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản khô cần chú trọng các giải pháp, như tham dự các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý nông, lâm sản và thủy sản Kiên Giang tổ chức để được bổ sung đầy đủ kiến thức cũng như quy định bắt buộc về an toàn thực phẩm đối với ngành, nghề sản xuất kinh doanh của mình. Qua tập huấn, chủ cơ sở sẽ tự nghiên cứu việc xây dựng hoặc sửa chữa, sắp xếp nhà xưởng cho thuận tiện, phù hợp sản xuất, vừa đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm theo quy định để sản phẩm vừa đạt yêu cầu, vừa đạt chất lượng thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản khô cần quan tâm đến việc thực hiện các quy trình thực phẩm chế biến, quy phạm sản xuất (GMP) và quy phạm vệ sinh (SSOP) chặt chẽ. Đây là các quy trình tiên tiến đã được nghiên cứu và áp dụng hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới để sản phẩm này ngày càng có chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đặc biệt, quan tâm sử dụng phụ gia, phẩm màu, hóa chất bảo quản, tuyệt đối không sử dụng hóa chất kháng sinh cấm, hóa chất không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác… vì nó có thể gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Lê Sen

Báo Cần Thơ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!