Một trong những giải pháp được đánh giá cao là đầu tư vào chế biến sâu. Đây không chỉ là phương thức nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam mà còn thích ứng với xu hướng tiêu dùng của thế giới.
Lợi từ nhiều phía
Thống kê của Bộ NN&PTNT, với sản lượng thủy sản đưa vào chế biến xuất khẩu và nội địa khoảng 4,5 – 5 triệu tấn thì tiêu thụ dạng tươi, sống khoảng 2 triệu tấn. Các nhà máy chế biến có tổng công suất khoảng 2,5 triệu tấn sản phẩm/năm; nhưng mới chỉ sử dụng 65% công suất thiết kế. Sản phẩm đông lạnh chiếm chủ yếu với 80%, sản phẩm khô chỉ chiếm 7%, sản phẩm dạng mắm là 5%, các sản phẩm khác 8%; tính chung, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng trung bình mới chỉ chiếm khoảng trên 30% tùy loại… Nhiều chuyên gia cho rằng, thủy sản là một trong những ngành thất thoát sau thu hoạch cao nhất, vào khoảng 15 – 20%.
Chế biến sâu được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm tổn thất sau thu hoạch, tận dụng được hết tất cả những giá trị mà sản phẩm thủy sản có thể đem lại, đây cũng là giải pháp để giảm bớt hàng hóa tồn mà không cần đến các kho lạnh khổng lồ. Cùng đó, chế biến sâu đang được xem là giải pháp giải quyết nguồn cung dư thừa trong nước tại thời điểm dịch COVID-19; giúp các doanh nghiệp Việt Nam “né” được các rào cản kỹ thuật nhập khẩu thường áp dụng vào các mặt hàng tươi sống. Minh Phú là một trong những tập đoàn đi đầu trong công nghệ chế biến sâu. Tập đoàn này đang rất thành công trong việc xuất khẩu tôm tẩm bột vào thị trường Mỹ; chiến lược của Tập đoàn là ưu tiên “Đổi mới công nghệ để nghiên cứu sản xuất nhiều hàng giá trị gia tăng, tăng cạnh tranh”. Năm 2019, trong khi các mặt hàng xuất khẩu khác suy giảm mạnh thì sản phẩm tôm tẩm bột đi các thị trường vẫn ổn định và tăng trưởng. Trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm bao bột từ Việt Nam sang Mỹ đạt 9.045 tấn, trị giá 64,9 triệu USD, tăng 52% về khối lượng và 49% về giá trị so cùng kỳ năm 2018.
Con đường tất yếu
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, với tổng sản lượng 1,512 triệu tấn, cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm; tuy nhiên, khó khăn đối với ngành cá tra là ở lĩnh vực chế biến sâu, bởi sản phẩm đông lạnh vẫn chiếm trên 92%. Được biết, để đối với phó với đại dịch COVID-19 và thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang tích cực đầu tư nhà máy để phát triển công nghệ chế biến sâu, đưa ra thị trường các sản phẩm trị giá gia tăng.
Một doanh nhân Việt kiều Mỹ chuyên kinh doanh cá tra tại thị trường Mỹ nhận định: Chế biến sâu chắc chắn đem lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp Việt Nam; nhưng cái khó là tiềm lực của ngành cá tra đã giảm sút sau nhiều năm gặp khó khăn trong xuất khẩu. Các doanh nghiệp rất cần một cơ chế tài chính ưu đãi cho việc đổi mới công nghệ để chuyển sang chế biến sâu; đồng thời, tại thị trường Mỹ và các nước khác, cần có chính sách truyền thông quảng bá mạnh mẽ cho các mặt hàng trị giá gia tăng của ngành cá tra Việt Nam.
Còn đại diện VASEP cho rằng, khi thị trường xuất khẩu có biến động, nhiều quốc gia ngừng nhập các sản phẩm tươi sống, thay vào đó là tập trung nhập đồ hộp, đồ đông lạnh. Do đó, các sản phẩm chế biến dự báo sẽ còn tiếp tục chiếm ưu thế trong thời gian tới. Ngoài ra, việc bảo quản các mặt hàng đã qua chế biến sâu cũng thuận tiện hơn rất nhiều so với hàng tươi sống, cho nên doanh nghiệp hạn chế được rủi ro khi xảy ra tình trạng tồn hàng tạm thời.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp” dịp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết, nhưng chế biến sâu càng quan trọng hơn nhằm gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa việc được mùa rớt giá.
>> Những mặt hàng chế biến sâu không chỉ làm đa dạng hóa sản phẩm mà còn cho lợi nhuận cao; như tôm chế biến sâu của Việt Nam được bán ở các siêu thị Nhật Bản có giá cao hơn khoảng 20% so tôm đông lạnh. |
Nguyễn Anh