Hiện nay đang là mùa vụ chính của khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân vùng Nam Trung Bộ nhưng giá cá lại giảm thấp chỉ còn 100.000 – 120.000 đồng/kg đối với cá loại 1, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương phải nằm bờ, nhiều ngư dân phải bỏ biển tìm đến công việc khác để mưu sinh. Chính quyền các cấp và các ngành chức năng đang hết sức lo ngại.
Cũng thời điểm này năm trước ngư dân Phú Yên làm nghề câu vàng truyền thống vừa câu được sản lượng lớn, vừa bán được giá từ 180.000 – 200.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 220.000 đồng/kg đối với cá ngừ đại dương loại 1. Nhờ đó, phần lớn bà con ngư dân Phú Yên làm nghề câu vàng truyền thống có thu nhập cao, giải quyết việc làm và tạo thu nhập khá cho hàng ngàn lao động ở địa phương.
Nguyên nhân do câu cá ngừ bằng ánh sáng đèn cao áp?
Dùng đèn cao áp kết hợp câu tay để đánh bắt cá ngừ đại dương (Ảnh: T. Mạnh)
Thời gian gần đây ngư dân Bình Định và Khánh Hòa sử dụng ánh sáng đèn cao áp để câu cá ngừ đại dương đã khiến chất lượng và giá chị loài cá này bị giảm sút nghiêm trọng.
Việc sử dụng ánh sáng đèn cao áp để câu cá ngừ đại dương có điểm mạnh là cho sản lượng lớn gấp nhiều lần cho một chuyến biển, nhưng điểm tiêu cực đó là do có ánh sáng dẫn dụ cá đến ăn mồi, con to, con nhỏ dính câu là ngư dân bắt tất, miễn làm sao thu được nhiều cá, mặc dù giá bán thấp, nhưng có lời chút ít là được.
Thực tế cho thấy cá đánh bắt bằng phương thức này, khi về bờ chất lượng đã bị giảm đi hẳn, các cơ sở xuất khẩu cá nguyên con không thể mua để xuất được mà chỉ có những cơ sở chế biến cá hộp mới mua loại cá này để làm hàng nhưng cũng chỉ với giá rất thấp chỉ 50 – 60.000 đồng/kg.
Từ 2 năm nay hầu hết ngư dân khai thác cá ngừ đại dương ở Bình định và Khánh Hòa đã chuyển sang sử dụng ánh sáng đèn cao áp kết hợp câu tay để câu cá ngừ đại dương, hình thức này cho năng suất sản lượng lớn gấp đôi, gấp ba lần so với câu vàng truyền thống của ngư dân Phú Yên.
Năm 2012, sản lượng cá ngừ đại dương của Bình Định đạt trên 7.500 tấn cao hơn năm 2011 khoảng từ 1,8 đến 2 lần. Sản lượng cá ngừ đại dương của Khánh Hòa đạt trên dưới 4.000 tấn cao hơn năm 2011 khoảng từ 1,5 đến 1,8 lần. Trong khi đó ngư dân Phú Yên vẫn duy trì nghề câu vàng truyền thống và đã hết sức cố gắng vươn khơi để câu nhưng sản lượng năm 2012 cũng chỉ đạt hơn 6.000 tấn và chỉ cao hơn 10% so với năm 2011.
Điều đó cho thấy, mặc dù ngư dân Bình Định và Khánh Hòa sử dụng ánh sáng đèn cao áp để đánh bắt cá ngừ đại dương và đã nâng sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt lên gấp đôi, nhưng giá trị cá ngừ đại dương của hai tỉnh này lại không tăng.
Hiện tại chúng ta đang bị mất đi một nguồn lợi cá ngừ đại dương đáng kể, giá trị sử dụng của loại nguồn lợi này đang bị giảm dần, vì phần lớn cá ngừ đại dương đánh bắt bằng sử dụng ánh sáng đèn cao áp kết hợp câu tay không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nguyên con mà chỉ để chế biến đồ hộp và tiêu dùng nội địa.
Chưa có văn bản cụ thể để quản lý
Vấn đề năng suất, sản lượng, giá cả cá ngừ đại dương đã thấy rõ, thế thì giải pháp nào để bảo vệ và nâng cao vị thế, giá trị cá ngừ đại dương xuất khẩu là câu hỏi đang đặt ra cho các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và cả bản thân những người đang làm nghề câu cá ngừ đại dương ở các tỉnh Nam Trung bộ này.
Các cơ quan chức năng nhà nước có khuyến cáo nhưng người dân đang như lờ đi, mà còn lý luận giản đơn là dân được phép làm những gì pháp luật không cấm. Còn các doanh nghiệp mua cá ngừ xuất khẩu nguyên con, mua giá bao nhiêu, xuất bán bao nhiêu, có cơ quan nào kiểm soát, điều chỉnh đâu?
Thực tế là như vậy, bây giờ muốn bảo vệ và nâng cao vị thế, giá trị cá ngừ đại dương xuất khẩu, thì phải có cơ chế chính sách điều chỉnh từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với loại nghề đánh bắt cá ngừ đại dương bằng sử dụng ánh sáng đèn cao áp. Khi đã có quy định điều chỉnh từ phía Nhà nước, thì các cơ quan thực thi nhiệm vụ quản lý ở các địa phương mới có cơ sở để thực hiện điều chỉnh theo hướng tích cực được.
Mặt khác, để khắc phục tình trạng gọi là ép giá thu mua cá ngừ đại dương để xuất khẩu, thì cơ quan nhà nước quản lý xuất khẩu cá ngừ đại dương cần công bố công khai giá xuất khẩu cá ngừ đại dương của các doanh nghiệp trong nước một cách thường xuyên để các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và người dân có cơ sở xác định giá thu mua cá ngừ tại cảng ở mức độ nào là phù hợp với chuỗi giá trị cá ngừ từ khai thác đến thu mua, chế biến, xuất khẩu. Trên cơ sở đó tạo sự hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên liên quan và cùng nhau tạo sự phát triển bền vững nghề câu cá ngừ đại dương ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa.
>> Thực tế đã cho thấy cá ngừ đại dương câu tay sử dụng ánh sáng đèn cao áp có chất lượng thấp, giá thu mua cũng rất thấp tồn tại hiện hữu 2 năm nay, nhưng không có văn bản quản lý nhà nước nào để điều chỉnh, vì vậy mà các cơ quan thực thi nhiệm vụ ở địa phương cũng chẳng làm gì được, cứ mặc sức dân chuyển đổi, phát triển nghề một cách tự phát. |