Thủy sản Kiên Giang là ngành kinh tế thủy sản tổng hợp bao gồm cả trong đất liền, trên biển và hải đảo. Do vậy, giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết trong việc thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển trong thời gian tới.
Sự cần thiết
Trong cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh Kiên Giang, thủy sản được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn. Trong thời gian qua, hiện nay và cũng như trong tương lai kinh tế thủy sản sẽ đóng góp một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Nuôi trai lấy ngọc là một trong những thế mạnh của tỉnh Kiên Giang – Ảnh: CTV
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Kiên Giang thời kỳ đến năm 2020; Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) ven biển, đảo tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, tăng tỷ trọng giá trị gia tăng kinh tế thủy sản chiếm 35% khu vực kinh tế nông, lâm, thủy sản và kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm 38,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; Đưa Kiên Giang trở thành một trong những trung tâm lớn về khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng ĐBSCL và cả nước. Đặc biệt, phát triển NTTS theo hướng đa dạng hóa, phát triển bền vững. Mở rộng diện tích nuôi tôm theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, nuôi tôm kết hợp trồng lúa.
Để đạt được mục tiêu trên, cần có một nguồn lực tài chính nhất định, từ đó tìm ra các giải pháp thu hút vốn đầu tư nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển của ngành NTTS trong thời gian tới, phát huy được các tiềm năng lợi thế của mình để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Mục tiêu
Làm rõ tiềm năng lợi thế và thực trạng về NTTS ở tỉnh Kiên Giang. Đánh giá thực trạng thu hút vốn đầu tư (vốn Nhà nước, nhân dân, đầu tư nước ngoài) cho việc phát triển NTTS ở Kiên Giang. Đề xuất các giải pháp thu hút vốn nhằm phát triển NTTS đến năm 2020.
Phương pháp
Nghiên cứu chủ yếu sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: thu thập số liệu thứ cấp, từ cơ quan thống kê. Phương pháp so sánh, tổng hợp, thảo luận với các chuyên gia (công chức trực tiếp) phương pháp lịch sử, tổng hợp, điều tra, khảo sát.
Đối tượng và phạm vi
Đối tượng: Là vốn đầu tư của ngân sách nhà nước (NSNN), đầu tư nước ngoài và đầu tư của nhân dân cũng như việc thu hút vốn cho phát triển thủy sản.
Phạm vi: Luận văn nghiên cứu tình hình thu hút vốn đầu tư của NSNN, vốn đầu tư nước và vốn đầu tư của nhân dân đối với sự phát triển thủy sản ở tỉnh Kiên Giang.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Thực trạng phát triển NTTS Kiên Giang những năm qua
Tổng diện tích NTTS tỉnh Kiên Giang liên tục tăng từ 109.151 ha năm 2008 lên 163.761 ha năm 2012, đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2008 – 2012 là 4.76%/năm.
Tổng sản lượng NTTS Kiên Giang liên tục tăng từ 103.417 tấn năm 2008, tăng lên 126.981 tấn năm 2012 và đạt tốc độ tăng bình quân 6,7%/năm. Cơ cấu đối tượng nuôi có sự thay đổi từ năm 2008 – 2012, tôm giảm từ 46% xuống còn 30%, thủy sản khác tăng từ 21% lên 23%, trong khi cá tăng dần từ 33% lên 47% vào năm 2012.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 năm (2008 – 2012) của Kiên Giang đạt 634.862 triệu USD, riêng năm 2008, xuất khẩu thủy sản đạt 108 triệu USD, chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; đến năm 2012 xuất khẩu thủy sản đạt 157 triệu USD chiếm 25,3% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
NTTS góp phần tích cực trong việc phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, góp phần thực hiện các tiêu chí của xã nông thôn mới.
Những hạn chế
Tốc độ tăng sản lượng và giá trị sản xuất thủy sản tăng nhanh nhưng tính bền vững chưa cao, diện tích nuôi tôm công nghiệp còn thấp so với toàn tỉnh, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, diện tích nuôi manh mún, quy mô hộ gia đình là chủ yếu. Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ NTTS nhất là nuôi tôm công nghiệp chưa đồng bộ, dẫn đến nguồn nước cho NTTS chưa đảm bảo.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích mặt nước và nguồn nước nuôi trồng, việc đầu tư cho việc xử lí nguồn nước nuôi chưa nhiều.
Thực trạng thu hút vốn đầu tư NTTS Kiên Giang những năm qua
Nguồn vốn đầu tư cho phát triển NTTS trong thời gian qua ở tỉnh Kiên Giang đã được mở rộng và đa dạng hóa, số lượng vốn được tăng lên đáng kể. Tổng vốn đầu tư cho ngành NTTS giai đoạn 2008 – 2012 đạt 2.038 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 673 tỷ đồng, chiếm 33,02% nguồn vốn đầu tư cho NTTS; vốn khu vực ngoài nhà nước là 1255 tỷ đồng, chiếm 61,58%; vốn nước ngoài là 110 tỷ đồng, chiếm 5,39%.
Tuy nhiên, nguồn vốn trên là quá ít so với nhu cầu vốn cho phát triển NTTS theo hướng công nghiệp. Nguồn vốn hàng năm mà ngành NTTS cần cho đầu tư về cơ sở hạ tầng thủy sản, giống thủy sản và hậu cần thủy sản là hàng ngàn tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn chủ yến hiện nay đầu tư cho NTTS là từ NSNN thì còn hạn chế do nền kinh tế bị khủng hoảng, còn nguồn vốn ODA và FDI hầu như rất ít, chủ yếu là hợp tác nuôi và chế tác ngọc trai.
Mục tiêu phát triển của NTTS Kiên Giang
Phát triển kinh tế thủy sản toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát triển NTTS theo hướng CNH – HĐH với các khâu đột phá chính là kết cấu hạ tầng nghề cá và tổ chức lại sản xuất ngành thuỷ sản; nâng cao chất lượng, hiệu quả. Phát triển NTTS phải đảm bảo mối quan hệ liên ngành, liên vùng. Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về thủy sản đáp ứng yêu cầu quản lý ngành theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Sò là một trong những đối tượng thủy sản tiềm năng của Kiên Giang – Ảnh: Thanh Nhã
Nhu cầu vốn cho NTTS Kiên Giang
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành NTTS tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2013 – 2020 khoảng 43.339 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2013 – 2015 khoảng 14.892 tỷ đồng và giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 28.447 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn: ngân sách 27%, thu hút từ các thành phần kinh tế 73%.
Vốn dùng để xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống thủy lợi; tăng cường cho công tác khuyến ngư, nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới, hỗ trợ đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, phục hồi nghề truyền thống, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, trung tâm sản xuất giống chất lượng…
Kết luận
Trong những năm qua thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp sang ngư – nông – lâm nghiệp, tỉnh Kiên Giang bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan về mặt sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, trong phát triển NTTS còn nhiều bất cập như: quy hoạch NTTS chưa theo kịp yêu cầu phát triển; trong đó vốn là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Theo đó, cần nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư phát triển NTTS là một trong những giải pháp cấp thiết.
Năm 2013, diện tích tôm nuôi nước lợ của Kiên Giang đạt 88.000 ha – Ảnh: An Đăng
Hoàn thiện quy hoạch phát triển NTTS
Cần lập và hoàn thiện quy hoạch trong phát triển NTTS, đó được xem là công cụ định hướng phát triển không gian của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư trong nuôi trồng. Chất lượng quy hoạch và kỷ luật thực thi quy hoạch ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của đầu tư.
Hoàn thiện các chính sách thu hút, sử dụng vốn đầu tư phát triển NTTS
Thứ nhất, ổn định và xây dựng chính sách thuế hợp lý: Sự ổn định của hệ thống thuế là điều kiện quan trọng ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế việc sửa đổi bổ sung từng sắc thuế một cách thường xuyên, đảm bảo để các thể nhân và pháp nhân lựa chọn kinh doanh và quyết định đầu tư.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính sâu rộng: Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt là trong công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh và trong giải quyết các nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân. Trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời.
Thứ ba, chính sách tài chính – tín dụng: Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng như kênh, mương, giao thông, trại giống, các trạm kiểm định dịch bệnh, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; mở rộng điều kiện tiếp cận vốn, tài sản đảm bảo, đối tượng đầu tư, thủ tục vay vốn, có chính sách lãi suất thích hợp.
Thứ tư, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế: cần đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tập trung đầu tư đúng mức kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, đồng thời chú trọng tạo lập môi trường kinh tế – xã hội.
Thu hút vốn ngân sách nhà nước và tín dụng ưu đãi
Thứ nhất, tập trung đầu tư phát triển kinh tế để thu ngân sách; Thứ hai, thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm và chống lãng phí; Thứ ba, bố trí cơ cấu chi NSNN hợp lý, đảm bảo tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển phải cao hơn tốc độ tăng chi sự nghiệp kinh tế – xã hội; Thứ tư, phát huy tiềm năng vốn có từ các nguồn tài nguyên quốc gia và tài sản công khác đang bị bỏ phí; Thứ năm, tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương hỗ trợ để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm NTTS;
Huy động vốn đầu tư phát triển từ các doanh nghiệp và tư nhân trong nước
Cần rà soát, điều chỉnh, ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với mọi loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh, kể cả trong và ngoài nước theo hướng hoàn thiện hơn.
Huy động vốn đầu tư phát triển từ dân cư
Khi mà nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp thì vốn trong dân cư được xem là nguồn vốn khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay. Nguồn vốn trong dân cư là rất lớn và rất tiềm năng, sức mua trong dân cư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn khá lớn, điều quan trọng nhất là phải có cơ chế thu gom các nguồn vốn đang phân tán này để đầu tư tập trung.
Các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Thứ nhất, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích FDI vào các ngành chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn, đặc biệt là nuôi và chế tác ngọc trai; Thứ hai, Cần thực hiện nghiêm túc công tác quản lý hành chính theo cơ chế “một cửa” trên các lĩnh vực; Thứ ba, tạo môi trường thuận lợi để tranh thủ, khai thác các dự án của các tổ chức phi chính phủ, khuyến khích họ đầu tư xây dựng các công trình có kết cấu hạ tầng có quy mô vừa và nhỏ.
>> Tài liệu tham khảo: 1. Nguyễn Văn Bé (2007), Giải pháp về vốn đầu tư cho phát triển nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Cà Mau, luận văn thạc sĩ Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Phan Văn Phơi (2013), Thu hút vốn đầu tư để phát triển du lịch Kiên Giang đến năm 2020, luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nha Trang. 3. Nguyễn Thanh Phương, Trần Ngọc Hải, Dương Nhựt Long (2009), Giáo trình nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ. 4. Phạm Xuân Thủy (2001), Quản lý kinh tế dùng cho ngành nuôi trồng thủy sản, Đại học Nha Trang. 5. Đặng Hiếu Trung (2011), Thu hút vốn đầu tư phát triển lâm nghiệp Kon Tum, luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Đà Nẵng. 6. Nguyễn Văn Tuấn (2005), Đầu tư trực tiếp nước ngoài với phát triển kinh tế ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội. |