T3, 16/07/2024 09:00

Giảm chi phí sản xuất con giống nhờ áp dụng di truyền học

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các quốc gia châu Mỹ và châu Á đã tăng cường sản xuất tôm mà không có sự gia tăng tương ứng về nhu cầu, dẫn đến giá cả giảm thấp trong nhiều thập kỷ. Việc đầu tư vào các chiến lược và công cụ liên quan đến cải tiến gen giúp nâng cao hiệu quả sản xuất tôm và duy trì tính cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt trong sản xuất con giống.

Tác động của chọn lọc di truyền

Cải thiện gen có thể tăng cường đáng kể hiệu quả sản xuất tôm bằng cách chọn lọc các cá thể có tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng kháng bệnh tốt và thích nghi với các điều kiện môi trường.

Cải tiến gen ở tôm không chỉ giới hạn ở giai đoạn tăng trưởng và vỗ béo mà còn có tác động đến các thông số sinh sản như số lần đẻ mỗi chu kỳ và số lượng trứng, ấu trùng. Điều này giúp nâng cao chất lượng nguồn tôm bố mẹ, giảm chi phí và tăng lợi nhuận về lâu dài.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cải thiện tần suất sinh sản có thể được di truyền với tỷ lệ từ 15% – 37%; cải thiện số lượng trứng và ấu trùng tương ứng khoảng 17% – 26% và 18%.

Thông tin về hệ gen cũng giúp người nuôi hạn chế tình trạng giao phối cận huyết trong nguồn tôm bố mẹ, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ tăng trưởng và sống sót. Mặc dù tác động của cận huyết đối với các thông số sinh sản chưa được nghiên cứu rộng rãi, nhưng yếu tố này cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể. Sự gia tăng 10% trong cận huyết làm giảm tỷ lệ thụ tinh của trứng từ 3% – 26.0% và giảm số lượng ấu trùng từ 2.9% – 24.6%. Quản lý cận huyết thông qua giám sát di truyền và các phép lai chiến lược là rất cần thiết.

Các chương trình chọn lọc gen của CAT

Trung Tâm Công Nghệ Thủy sinh (CAT) chuyên thực hiện các chương trình cải tiến gen được thiết kế phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của khách hàng và thị trường. Các chương trình này sử dụng chỉ thị di truyền và thông tin về hệ gen học để tạo dữ liệu cho các chương trình chọn lọc hàng loạt, phả hệ hoặc chọn lọc theo bộ gen, nhằm cải thiện đặc tính hình thái chính cho khách hàng.

Các bước để thiết lập một chương trình cải thiện gen:

1. Xác định mục tiêu: Xác định các đặc tính cần cải thiện như tốc độ tăng trưởng, khả năng kháng bệnh, hiệu quả sinh sản.
2. Đánh giá cơ bản: Thực hiện đánh giá tổng quan về di truyền (GO) để xác định sự đa dạng di truyền hiện có, mức độ cận huyết và các mối quan hệ trong quần thể tôm.
3. Chọn các dấu hiệu di truyền: Lựa chọn các dấu hiệu di truyền phù hợp (các bảng SNP) để theo dõi các biến thể di truyền và hướng dẫn chọn lọc.
4. Thiết kế chương trình: Phát triển chiến lược nhân giống bao gồm chọn lọc đại trà, nhân giống theo gia đình hoặc chọn lọc bộ gen dựa trên mục tiêu và nguồn lực.
5. Triển khai: Bắt đầu chọn lọc và nhân giống dựa trên các dấu hiệu và đặc tính mong muốn.
6. Giám sát và điều chỉnh: Liên tục giám sát tiến độ và điều chỉnh chương trình nhân giống để đảm bảo cải thiện liên tục và bền vững.

Các dự án nghiên cứu tại CAT tiếp tục đẩy mạnh giới hạn của di truyền tôm. Bao gồm việc chọn lọc gen và công nghệ chỉnh sửa hệ gen để nâng cao hiệu quả cho quá trình lai tạo. Bằng cách tập trung vào các đặc tính liên quan đến tỷ lệ tăng trưởng, kháng bệnh và hiệu quả sinh sản. Những nỗ lực này nhằm cải thiện chất lượng sản xuất tôm. Lĩnh vực này cho phép thực hiện các sửa đổi DNA của tôm để tăng cường các đặc điểm mong muốn. Các phòng thí nghiệm nghiên cứu, như tại CAT ở San Diego, đang đi đầu trong việc phát triển các công nghệ này, với tiềm năng tạo ra một cuộc cách mạng hóa ngành nuôi tôm trong tương lai gần.

Cải thiện gen giúp tăng cường hiệu quả sản xuất và duy trì tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp tôm. Bằng cách tập trung vào việc sản xuất những con giống khỏe mạnh, kháng bệnh tốt với các thông số sinh sản tốt, ngành công nghiệp có thể giải quyết những thách thức hiện tại và đảm bảo một tương lai bền vững.

CAT có thể giúp thiết lập một phương pháp cải thiện gen toàn diện, mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất bằng cách giảm chi phí, tăng lợi nhuận và thúc đẩy sản xuất tôm bền vững.

Carlos Pulgarin, Marcos De Donato,
Alejandro Gutierrez

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!