Ngày xưa bắt cá, người ta hay dùng những cách thức thủ công như chày, lưới, giăng câu, chất chà… riêng ba tôi có biệt tài giậm dấu.
Con sông quê tôi ngày xưa mỗi mùa nước rút vào đầu tháng mười (âm lịch) khi gió chướng thổi về lành lạnh, cuồn cuộn chảy xiết, là hai bên bờ con cò, con diệc… đậu tìm mồi ẩn hiện, giương cao cổ khắp nơi. Những con còng cọc lặn hơi dài trong nước mò cá là hình ảnh ông cha tôi chôn chặt bao kiếp thăng trầm nơi đây.
Nước rút vào những tháng cuối năm, theo nước ấm tôm cá cùng các loài thủy sinh bỏ ruộng tìm về nguồn cội, người ta chặn bắt chúng về để ăn, làm khô làm mắm dự trữ trong nhà. Nhưng rồi càng về sau này do dân số tăng nhanh, sức càn quét các loài động vật trong thiên nhiên ngày càng khốc liệt, khiến muôn loài kề cận với sự diệt chủng.
Theo dòng nước ngược, một tay ba tôi kéo xuồng, một tay quơ cỏ, lục bình… cho tạt sang bên, hai chân ông thay phiên giậm xuống sình để in sâu thành dấu tạo nên những hố nhỏ cho cá vào đó trú thân. Giậm một đoạn, khi cảm thấy đủ kịp con nước đứng lớn, ba tôi quay lại mò. Ông móc đất quăng xa, hai tay đập mạnh vào nước cho cá sợ chui xuống dấu rồi nhanh tay chụp, cá có vùng vẫy cũng khó thoát thân. Cứ vài ba bước ông lôi lên một con trê, con lóc. Nhiều con cá lóc nặng cả ký; nhiều con trê vàng, trê trắng bằng thân tre, da thịt trổ bông trơn nhẵn. Cá trắng như rô biển, thát lát… Có những bữa được đến vài chục ký lô.
Nghề giậm dấu cũng có quy ước mặc nhiên của sông nước, người ta dùng một cành cây (thân tre hoặc sậy cấm) làm bẹo tại điểm xuất phát, trên đầu cột nhánh lục bình hay nặn một cục đất sét cốt cho người đến sau biết đây là “lãnh thủy” đã có chủ.
Có cơn nước ròng đêm, ba tôi cùng mấy người bạn trong xóm rủ nhau thức giậm dấu, lặn ngụp trong dòng nước lạnh để bắt cá cho kịp buổi chợ sớm. Nhiều lần ba bị cá trê trắng đâm, hành nóng lạnh suốt mấy ngày đêm nằm trùm mền kêu rên, nhưng khỏi rồi lại tiếp tục giậm giấu qua tháng lụn, năm dài. Những năm chiến tranh, pháo binh và máy bay địch bắn phá làng xóm, ba vẫn lẻn về giữ làng, giậm dấu nuôi gia đình, nuôi dấu cán bộ kháng chiến tại địa phương. Ông miệt mài từ tuổi thanh xuân cho đến gần cạn kiếp người và chỉ bỏ nghề khi cá đồng vắng bóng dưới lòng sông.
Quá khứ trôi qua như dòng sông với bao kỷ niệm êm đềm, những lam lũ nhọc nhằn của ông cha tôi trên sông nước quê hương thì muôn thu không quay lại. Nhưng tất cả tiếng thảy đất, tiếng quậy nước của ba khiến cho đàn cá sợ hãi sẽ mãi trở thành âm vang miên viễn trong lòng tôi dẫu sông sâu đã đổi khúc.
>> Mỗi lần về lại dòng sông, tôi lại đi kiếm tìm, để thấy lục bình còn trôi bất tận, những vệ cỏ xanh hai bên bờ, vẫn nước lớn chảy vào, nước ròng chảy ra… nhưng không còn thấy ai giậm dấu nữa. |