T2, 06/07/2020 11:10

Giám đốc Công ty Cát Phú Hải: Người tiên phong sản xuất tôm sạch

Chưa có đánh giá về bài viết

Ông Bùi Ngọc Liêm, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cát Phú Hải còn được bầu Chủ tịch Hội Nghề cá TP Móng Cái. Ông là một trong những người nuôi tôm hiệu quả nhất và có tính tiên phong ở vùng biên Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).

Gian khó lập nghiệp

Ông Liêm nguyên là bộ đội chuyển ngành, làm cán bộ công nhân viên nhà nước, rồi về nghỉ chế độ. Ông là một trong những người tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây (Trường Sa, 13/4/1975). Năm 1991, gia đình ông Liêm chuyển ra Móng Cái lập nghiệp. Ban đầu, kinh doanh buôn bán đủ nghề, đến năm 1999, ông chuyển sang nuôi tôm, nghề nuôi tôm đến với ông như một cái duyên. Ông kể: “Ban đầu vùng này toàn sú, vẹt, chưa có đường vào. Khu vực nuôi tôm là dự án của quân đội. Tôi xin được tham gia nuôi tôm tại dự án, sau đó tập trung vốn và vay tiền ngân hàng để thuê máy xây ao nuôi tôm”.

Lúc đầu nuôi tôm chưa có kiến thức, chưa có điện, rất nhiều khó khăn. Quạt nước phải chạy bằng máy nổ, một máy chỉ chạy được cho 1 ao; nhưng vốn có kiến thức cơ khí, ông có thể làm bánh răng đảo chiều sử dụng cho hai ao nên đã giảm được đáng kể chi phí đầu tư. Kỹ thuật nuôi tôm thì học hỏi từ Trung Quốc; những năm đầu nuôi tôm sú, tôm he Nhật Bản. Nhờ chịu khó học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật nên các vụ nuôi tôm của ông thường trúng lớn, thành công ngoài mong đợi.

Từ những thành công ban đầu, thấy con tôm rất hợp vùng đất này nên ông Liêm tiếp tục ngăn ao, mở rộng, lắp đặt hệ thống điện. Năm 2001, tôm thẻ chân trắng được giới thiệu ở Việt Nam, ông mạnh dạn nuôi đối tượng này. Toàn bộ diện tích của Công ty hiện nay đều nuôi tôm thẻ chân trắng, với mật độ hàng trăm con/m2, năng suất bình quân 10 tấn/ha.

Ông Bùi Ngọc Liêm (bên phải) giới thiệu mô hình nuôi tôm

Về kỹ thuật để nuôi tôm thành công, ông Liêm cho biết: Tôm còn bé cho ăn bằng tay, tôm lớn hơn thì cho ăn bằng máy. Hiện nay, ông cũng đã chế tạo được máy cho ăn tự động và cung cấp cho người nuôi tôm có nhu cầu. Cũng theo ông, nghề nuôi tôm khó nhất là xử lý môi trường, cần phải nắm vững kỹ thuật nuôi. Đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt vụ nuôi.

Là người ham học hỏi, ông Liêm tham gia nhiều hội thảo, mô hình. Có những lần tham quan mô hình ở các địa phương, ông thường ở lại một vài hôm để có thời gian học hỏi cách làm hay, kỹ thuật mới để về áp dụng cho mô hình của mình.

Ông Liêm cho biết: Nghề nuôi tôm ở Móng Cái đang phát triển mạnh, được đầu tư ngày càng cao. Có những hộ đầu tư vài chục ao nhà bạt để nuôi vụ đông, vốn đầu tư 650 – 700 triệu đồng/ao. Nuôi tôm trong nhà bạt hạn chế được tác động của thời tiết, tôm bán được giá hơn.

 

Góp phần tạo thương hiệu mới

Tháng 8/2012, Hội Nghề cá Móng Cái bắt đầu xây dựng nhãn hiệu tập thể “Tôm thẻ chân trắng Móng Cái”. Việc này không chỉ giúp tạo ra sản phẩm tôm ngon, sạch, có sức cạnh tranh mà còn góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

Đến nay, Móng Cái đã có 20 hội viên nuôi tôm đăng ký nhãn hiệu tập thể và được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu. Để được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Tôm thẻ chân trắng Móng Cái”, các hộ nuôi tôm phải tuân thủ quy trình nuôi tôm, kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào từ con giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học. Việc kiểm soát tốt đầu vào không chỉ kiểm soát tốt dịch bệnh, môi trường mà còn tạo ra những sản phẩm tôm sạch, chất lượng cao. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đạt được chứng nhận.

Ông Liêm cho biết: Ngay từ khi Dự án được triển khai, người nuôi tôm đã được tiếp cận và áp dụng quy trình nuôi tôm sạch và bền vững, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôm nuôi theo quy trình này được người tiêu dùng đánh giá rất cao, bởi tôm sáng đẹp, thịt chắc, ngọt và ngon.

>> Ông Cao Tuy, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ninh: Ông Liêm là chủ doanh nghiệp, đồng thời là một cán bộ Hội hoạt động hết lòng, đóng góp rất lớn cho sự phát triển thủy sản của TP Móng Cái cũng như của tỉnh.

Trọng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!