Mỗi năm, trên vùng biển đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) xảy ra hàng chục vụ va chạm, tranh chấp ngư cụ, ngư trường giữa các tàu thuyền khai thác thủy sản. Đứng chân trên địa bàn phức tạp như vậy, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Xuân Thịnh xác định, giải quyết tốt lĩnh vực này chính là một khâu đột phá quan trọng trong việc giữ vững an ninh trật tự trên biển, giúp ngư dân yên tâm bám biển làm ăn, phát triển sản xuất.
Những nỗi lo giữa ngư trường
Mùa đánh bắt năm nay, tuy việc làm ăn không dư giả nhiều nhưng mỗi khi ra biển, anh Nguyễn Quang, ở thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, Phú Yên đã thấy tâm trạng thoải mái hơn. Nhắc lại mùa biển trước, anh Quang chưa hết rùng mình. Sự cố xô xát giữa anh với một anh bạn nghề trên biển đã khiến anh suýt mất mạng, còn phương tiện thì hư hỏng nặng. Sau chuyện xảy ra, vợ chồng anh đã chạy tất tả khắp nơi vay mượn khoản tiền gần 70 triệu đồng để sửa lại phương tiện. Ngày đó, nằm chờ ghe sửa xong để tiếp tục ra biển, lòng dạ anh như lửa đốt.
Nhớ lại chuyện cũ, anh Quang kể, hôm đó, anh ra biển làm mành tôm. Do không làm chủ tốc độ, khi xuất bến, chiếc ghe PY 40570TS của anh đã sơ ý đâm vào phần sau ghe anh Mai Hữu Lợi. Hai bên cãi cọ đôi chút, anh Quang cho ghe đi tiếp. Tuy nhiên, vì còn ấm ức với cảm giác bị xúc phạm, chạy được vài trăm mét, anh quay lại, lấy hết tốc độ cho ghe đâm mạnh vào phương tiện của anh Lợi. Phần anh Lợi, trong lúc còn nóng giận, nhìn thấy ghe anh Quang quay về, chạy với tốc độ lớn, anh Lợi cũng “lên ga”, lao tới thật mạnh. Hai chiếc ghe đâm sầm vào nhau với tốc độ cao khiến anh Quang bị văng xuống biển. Cả hai phương tiện đều nứt, vỡ toang nhiều mảnh ở thân, nước tràn vào khoang. Bà con ở gần đó đã cứu vớt anh Quang đưa vào bờ và điện báo cho Đội công tác của Đồn BP Xuân Thịnh (BĐBP Phú Yên) đang đóng chốt tại địa bàn.
Phương tiện của ngư dân Nguyễn Quang (thôn 2, xã Xuân Hải) sau sự cố va chạm trên ngư trường.
Chỉ vài phút sau, Đội công tác đã đến hiện trường. Vừa huy động người dân trục vớt các thiết bị, ngư cụ của 2 ghe bị rơi xuống biển, các chiến sĩ Biên phòng đã nhanh chóng lập biên bản kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hiện trường, xác định các dấu vết trên 2 phương tiện và ghi nhận lời khai của người trong cuộc, các nhân chứng… Đó chỉ là một trong hàng chục vụ va chạm, xảy ra ở khu vực đầm Cù Mông mỗi năm mà Đồn BP Xuân Thịnh đã tiếp nhận, xử lý.
Theo Thượng tá Bùi Ngọc Hòa, Đồn trưởng Đồn BP Xuân Thịnh, dọc khu vực biển đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) do đồn quản lý là những ngư trường có tiềm năng lớn về nguồn lợi thủy sản, đây còn là vùng nuôi trồng thủy sản lý tưởng. Do vậy, lưu lượng tàu thuyền hoạt động ở khu vực này rất nhiều. Địa bàn có đến 1.172 phương tiện, nhưng tất cả đều làm theo các nghề truyền thống ven bờ như làm mành, lưới trủ, lưới quát, giã cào… Tình trạng mang lưới, va chạm, các tranh chấp trong khai thác thủy sản, gây cãi cọ, mâu thuẫn dẫn đến xô xát luôn là nguy cơ tiềm ẩn trên vùng ngư trường này.
Lấy hòa giải tạo bình yên
Nhắc lại việc giải quyết sự cố “nổi cộm” giữa phương tiện của anh Nguyễn Quang với anh Mai Hữu Lợi, từng gây nỗi bất an trong bà con tại địa phương ông Nguyễn Đặng, Trưởng lạch của thôn 2, xã Xuân Hải cảm kích nhận xét: “Anh em Đội công tác Biên phòng đã tiếp cận hiện trường ngay từ khi vừa xảy ra sự cố để ổn định tình hình và kiểm tra, xác định hiện trạng, lập biên bản, lấy lời khai… Nhờ đó, đơn vị có đầy đủ chứng cứ để làm cho mỗi bên nhận thấy phần lỗi của mình. Sau vụ xử, bà con thôn 2 xã Xuân Hải chúng tôi đều “tâm phục khẩu phục” anh em đồn Biên phòng. Còn, anh Quang và anh Lợi, từ chỗ không nhìn mặt nhau đã đến bắt tay vui vẻ, hứa hẹn giữ hòa khí để làm ăn trên biển. Sống cùng địa phương, nếu anh em còn giữ trong lòng hiềm khích, ghét nhau, thật khó làm ăn nên nổi”.
Trực tiếp tham gia điều tra, xử lý nhiều vụ va chạm giữa các phương tiện làm ăn trên vùng biển đầm Cù Mông, nói về những cái khó trong nghề, Thiếu tá Nguyễn Tấn Hơn, Đội phó Đội Phòng chống tội phạm và ma túy của Đồn BP Xuân Thịnh tâm sự, trong quá trình xử lý những sự cố trên biển, việc nhận định sự việc qua hiện trường là rất khó khăn bởi mặt biển không để lại dấu vết. Nhiều khi các chủ phương tiện gây tai nạn còn tìm mọi cách để đối phó với cơ quan chức năng như thay đổi hành trình, sơn lại vết trầy xước do va quệt… Trong khi đó, chủ phương tiện bị nạn lại muốn nâng giá trị mức thiệt hại. Vì vậy, mỗi khi nghe có việc xảy ra là anh em trong đội xuống ngay hiện trường để tiếp cận vụ việc, tiếp cận nhân chứng ngay từ giờ phút đầu. “Phải nhạy bén trong nhận định tình hình, xác định chính xác bản chất sự việc, phần lỗi đúng, sai của các bên. Ngoài ra, chúng tôi chú trọng việc tham khảo ý kiến của những lão ngư lâu năm trong nghề biển, nhất là kết hợp đưa quy ước của ban lạch, quy định của địa phương vào việc phân xử. Tất cả điều đó làm cho việc giải quyết được “thấu tình đạt lý” để khi đưa ra kết luận, các chủ phương tiện đều đồng tình chấp nhận” – Thiếu tá Hơn nói.
Thượng tá Bùi Ngọc Hòa chia sẻ: “Quan điểm mấu chốt của đơn vị là kiên quyết xử lý, xử phạt, những người cố tình vi phạm, bất chấp qui định, qui chế trong khi làm ăn trên biển để lấy đó làm gương cảnh báo cho những người khác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết, phần lớn tai nạn, va quệt trên biển là những rủi ro trong khi đi làm ăn của ngư dân. Song, khi sự cố đã xảy ra, người trong cuộc đều ở trạng thái bị kích động. Đơn vị luôn cố gắng thực hiện vai trò người làm trung gian hòa giải để hai bên bị nạn và gây nạn thương lượng với nhau về bồi thường thiệt hại. Mục tiêu trước hết là không để mâu thuẫn, hiềm khích kéo dài gây xung đột, giữ ngư trường ổn định, giúp ngư dân yên tâm bám biển làm ăn”.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng các loại ngành nghề khai thác thủy sản, cùng với áp lực khai thác trên ngư trường ngày càng tăng, tình trạng mang lưới, va chạm ở vùng đầm Cù Mông đang là nỗi lo lớn của ngư dân và các lực lượng chức năng địa phương. Thượng tá Bùi Ngọc Hòa cho biết, “bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định làm ăn trên biển, đơn vị còn chú trọng nâng cao vai trò của ngư dân tiêu biểu trong các tổ tàu thuyền an toàn, lấy lực lượng này làm nòng cốt để động viên ngư dân đoàn kết, hỗ trợ nhau làm ăn và chấp hành các quy định của pháp luật trong khu vực biên giới biển”.