(TSVN) – Đó là những nội dung chính của Hội thảo “Xu hướng thị trường xuất khẩu tôm quốc tế về giảm phát thải, trách nhiệm xã hội và lộ trình thích ứng rào cản kỹ thuật mới cho ngành tôm Việt Nam” do Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam (VSSA), phối hợp Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững Hà Lan (IDH) và Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) tổ chức vào ngày 26/12, tại Cà Mau.
Phiên thảo luận được tập trung vào các giải pháp giảm phát thải, tăng tuần hoàn trong nuôi tôm
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, kiêm Phó chủ tịch VSSA, cho rằng, vấn đề đáng quan tâm của ngành tôm hiện nay là sức cạnh tranh có phần yếu hơn so với các đối thủ, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá thành sản xuất còn quá cao. Ông Bằng chỉ rõ: “Chất lượng tôm chúng ta ngon, nhưng đạt chứng nhận chưa nhiều. Đó là do quy trình sản xuất chưa chuẩn, việc tuân thủ các quy định trong từng mô hình nuôi chưa được triệt để. Bởi thế, sản lượng vụ nuôi thì cao, nhưng lợi nhuận không như mong đợi”. Theo ông Bằng, ngành tôm cần thay đổi theo hướng: sản xuất thích ứng, tuân thủ đúng điều kiện, quy định thị trường và sản phẩm phải có tính cạnh tranh, bởi nếu không, ngành tôm sẽ ngày càng bế tắc vì yêu cầu của thị trường đang ngày càng cao hơn.
Ông Châu Công Bằng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, Kiêm Phó Chủ tịch VSSA phát biểu khai mạc hội thảo
Nhìn nhận ngành tôm đang rất khó khăn, nhưng theo ông Lê Đình Huynh – Tổng Thư ký VSSA, đây chỉ mới là những khó khăn tạm thời do tác động từ dịch covid, xung đột chính trị, lạm phát…, còn những khó khăn khác, như: cung vượt cầu, các quy định, yêu cầu mới từ thị trường… mới thật sự là thách thức lớn của ngành tôm trong những năm tới. Điều này đòi hỏi ngành tôm cần sớm có chiến lược thích ứng cũng như những sách lược, định hướng đúng đắn. Ông Huynh chia sẻ: “Thách thức dài hạn của ngành tôm chính là những yêu cầu mới từ thị trường, nên chúng ta cần có sự chuẩn bị sớm nếu không đến khi những thách thức này được dựng lên thành rào cản thì ngành tôm chúng ta sẽ rất khó. Để tăng tính cạnh tranh của ngành tôm và đạt mục tiêu phát triển bền vững, sản xuất tôm tới đây cần có sự chung tay của tất cả các bên theo hướng giảm phát thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh”.
Các bên ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy giảm phát thải và tăng cường trách nhiệm xã hội trong nuôi tôm
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm xã hội và giảm phát thải, ông Nguyễn Bá Thông – Quản lý Chương trình IDH Thủy sản Việt Nam, cho biết, tôm Việt Nam hiện chỉ hơn tôm Ecuador và Ấn Độ về chỉ số giá trị cơ bản, còn các chỉ số về sức khỏe, giá trị bền vững thì đang bị hai đối thủ này bỏ xa. Do đó, chỉ có con đường hợp tác và hành động ngay từ bây giờ mới có thể giúp ngành tôm khắc phục những điểm yếu, phát huy thế mạnh, tăng tính cạnh tranh nhằm hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ thị trường lẫn nội tại. Trong khuôn khổ nội dung giảm phát thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh, đại diện Công ty VNF mang đến hội thảo Dự án thí điểm “Xây dựng chuỗi giá trị tuần hoàn cho vỏ tôm lột với sự tham gia của các hợp tác xã và các hộ nuôi”. Đây là dự án được đánh giá rất ý nghĩa vì nếu tận dụng được nguồn thải này trong quá trình nuôi tôm sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, giúp người nuôi tôm có thêm nguồn thu nhập và tạo ra sản phẩm mới thân thiện với môi trường.
Cũng tại buổi hội thảo, các bên tham gia đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy giảm phát thải và tăng cường trách nhiệm xã hội trong ngành tôm.
Xuân Trường