(TSVN) – Đây là một trong các nhiệm vụ được ngành thú y đặt ra để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Được biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành thú y đã triển khai các nhiệm vụ nhằm xử lý kịp thời một số bệnh trong nuôi thủy sản. Nhiều bệnh có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiều ngày 11/7 tại Hà Nội, Cục Thú y tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Cục Thú y chiều 11/7
Báo cáo của Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long về công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nêu rõ, 6 tháng đầu năm, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 18.443 ha (chiếm 78,4% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại), tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, phạm vi cá tra bị mắc bệnh là tương đương, tuy nhiên diện tích cá tra bị mắc bệnh giảm khoảng 26,4%. Đối với các loài thủy sản khác, có 2.120 lồng nuôi tôm hùm, 300 ha nuôi ngao và 410,55 ha nuôi thủy sản khác bị thiệt hại.
Trong đó, một số bệnh trên tôm nuôi phổ biến như bệnh hoại tử gan tụy cấp tính so với cùng kỳ năm 2023 xảy ra ở phạm vi hẹp hơn 5,9% và diện tích có tôm mắc bệnh giảm 14,4%. Bệnh đốm trắng bệnh xảy ra ở phạm vi hẹp hơn 7,7% và diện tích có tôm mắc bệnh giảm 38,9% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng với hiện tượng tôm chết sớm nghi do bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (TPD), Cục Thú y đã chỉ đạo Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương và các đơn vị thuộc Cục xây dựng tiêu chuẩn cơ sở chẩn đoán, xét nghiệm bệnh TPD trên tôm; đồng thời chỉ đạo Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, thủy sản các tỉnh/thành phố nuôi tôm nước lợ rà soát báo cáo hiện tượng tôm chết sớm nghi do TPD và triển khai các biện pháp phòng chống; Tổ chức điều tra dịch tễ, xác minh ổ dịch TPD trên tôm nuôi tại Quảng Ninh; đồng thời hoàn thiện quy trình xét nghiệm Gene độc lực VHVP-2 trên nhóm vi khuẩn Vibrio gây bệnh TPD.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm
Về bệnh TPD trên tôm, hiện trung tâm mới xét nghiệm được 2 mẫu dương tính ở Quảng Ninh, một số tỉnh rải rác có hiện tượng tôm chết ở giai đoạn sớm. Ông Ngô Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết: “Sắp tới, Phòng Thú y Thủy sản sẽ tổ chức Hội nghị về các bệnh trên tôm để có những hướng dẫn cụ thể hơn tới người nuôi. Bệnh trên tôm khi xảy ra thường gây chết rất nhanh, lây lan nhanh và thiệt hại lớn. Do vậy, việc phổ cập thông tin tới người nuôi là rất quan trọng”.
Để phòng, chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi trồng thủy sản, ngành thú y đã đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thuỷ sản nuôi. Theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên thủy sản nuôi, đặc biệt là dịch bệnh trên tôm, cá tra, tôm hùm để có biện pháp xử lý kịp thời; làm việc với chuyên gia FAO để nâng cấp, cải tiến Hệ thống VAHIS (phần dịch bệnh thủy sản), đáp ứng yêu cầu chuyên môn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Số liệu thống kê bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi 6 tháng đầu năm tại một số địa phương
Bên cạnh đó, Cục Thú y đã phối hợp với Đại sứ quán Úc, Bộ Nông nghiệp Úc tổ chức “Hội thảo về an toàn sinh học cho các trang trại nuôi trồng thuỷ sản” tại Cần Thơ. Thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, hỗ trợ địa phương (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Cà Mau, Phú Yên) trong công tác phòng, chống dịch bệnh, xác định nguyên nhân thủy sản bị chết nhiều bất thường như tôm nuôi nước lợ, tôm hùm nuôi biển, cá nuôi lồng bè, ngao/nghêu, cua biển,…
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Cục sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh thuỷ sản ở các địa phương và hướng dẫn công tác phòng chống dịch, đặc biệt đối với bệnh trên tôm và cá tra. Tổ chức giám sát, xác định nguyên nhân hiện tượng thủy sản chết nhiều, chết bất thường (nếu có) và giám sát chủ động dịch bệnh tại các vùng nuôi, giám sát một số tác nhân gây bệnh mới nổi (TPD, DIV1,..), bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước.
Ngoài ra, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho biết Cục sẽ phối hợp, chỉ đạo các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát tác nhân gây bệnh mờ đục thân ở các vùng sản xuất tôm giống trọng điểm. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, trọng tâm là các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; tổ chức tập huấn cho các Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo đúng quy định.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Thú y tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên thủy sản
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nuôi trồng và chế biến thủy sản đóng góp rất lớn cho phát triển ngành Nông nghiệp. Do vậy, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa quan trọng, giảm thiểu được thiệt hại cho người nuôi, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Qua đây, Thứ trưởng đề nghị, để công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản đạt hiệu quả, ngành thú y cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên thủy sản; thực hiện lấy mẫu chẩn đoán tác nhân gây bệnh và phối hợp xử lý kịp thời không để dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm. Song song đó, cần thành lập đoàn thanh, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật nhà nước, pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực kinh doanh, lưu hành, sử dụng thuốc thú y, thức ăn thủy sản tại các địa phương.
Thùy Khánh