(TSVN) – Để hiện đại hóa tàu cá và đảm bảo hiệu quả hoạt động khai thác bền vững, đồng thời phù hợp với yêu cầu gỡ “thẻ vàng” của EC, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là điều kiện bắt buộc. Các địa phương đã và đang tăng cường thực hiện trên các tàu cá thuộc diện phải lắp đặt, thế nhưng, không phải khi nào điều này cũng được kết quả như mong muốn.
Mục tiêu của ngành thủy sản đặt ra là hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (GSHT) vào ngày 1/4/2021. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cho thấy, việc lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên vẫn chưa đạt. Tính đến tháng 8 năm nay, số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915/30.778 tàu cá (đạt 87,45%). Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên là 2.323/2.637 tàu (đạt 88,09%); tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m là 24.592/28.141 tàu (đạt 87,39%). Cùng đó, số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định của Bộ NN&PTNT là 85.620/94.572 tàu, đạt 90,53%…
Tại Quảng Bình, toàn tỉnh đã có 1.074/1.207 tàu cá lắp đặt thiết bị GSHT, đạt gần 90%. Số lượng tàu cá này đều được cấp Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Đối với 133 tàu cá chưa lắp đặt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành chức năng theo dõi, giám sát, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi, trang bị nghề nghiệp, tiếp tục vận động lắp đặt…
Tính đến tháng 8/2021, số lượng tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 87,45%. Ảnh: VNPT
Tại Thanh Hóa, đến ngày 30/8/2021, có 1.110 tàu cá của tỉnh thường xuyên tham gia khai thác hải sản trên biển có chiều dài từ 15 m trở lên đã hoàn thành lắp đặt, kích hoạt trên hệ thống quản lý thiết bị GSHT, đạt 100%, trong đó: thị xã Nghi Sơn là 347 tàu, TP Sầm Sơn 198 tàu, huyện Hậu Lộc 255 tàu, Quảng Xương 184 tàu, Hoằng Hóa 125 tàu và Nga Sơn 1 tàu. Còn tại Cà Mau, toàn tỉnh đã có 1.505/1.516 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị GSHT, đạt hơn 99%.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tỉnh lắp đặt thiết bị GSHT có tỷ lệ chưa cao như: Quảng Trị (đạt 60,55%), Trà Vinh (65,53%), Quảng Ninh (65,50), Hà Tĩnh (65,69%)…
Theo đánh giá chung, việc lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản, người và tài sản của ngư dân. Cùng đó, thiết bị này sẽ giúp xác định được vị trí tàu qua điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet; cảnh báo SOS khi tàu gặp sự cố…
Anh Tô Thành Lợi, ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: “Trước đây giao tàu cho thuyền trưởng, ra biển rồi thì thuyền trưởng nói ở đâu mình biết ở đó. Nhưng bây giờ tàu cá được lắp thiết bị GSHT, ngồi ở nhà cũng biết tàu đang ở vị trí nào, hoạt động hay không…”.
Tuy nhiên, một số chủ tàu cá hiện vẫn chưa mặn mà với việc lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá vì cho rằng giá thành cao (khoảng 25 triệu/tàu); cước phí sử dụng dịch vụ phải đóng là 350.000 đồng/tháng; nếu gọi điện thoại trên thiết bị này thì mất 18.000 đồng/phút. Ngoài ra, chủ tàu còn phải đóng tiền thuê bao trước 3 hoặc 6 tháng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên không hoàn thành theo tiến độ quy định.
Còn ông Đoàn Quốc Lượm, một chủ tàu cá tại Cà Mau cho biết, thiết bị này rất đắt mà không bền, sau khi hết bảo hành là sử dụng không còn ổn định. Khi máy không hoạt động tốt thì phát sinh nhiều bất cập và bị cơ quan chức năng nhắc nhở. Giờ muốn đổi hoặc mua sắm thiết bị giám sát mới lại phải chi phí vài chục triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu chưa thực sự tự giác chấp hành các quy định đánh bắt trên vùng biển, vẫn cố tình “lách” khi ngắt kết nối thiết bị với hệ thống trên bờ, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và giám sát của ngành chức năng…
Thống kê của ngành thủy sản cho thấy, trước ngày 31/12/2020 đã có hàng trăm tàu cá của 25 tỉnh mất kết nối thiết bị GSHT, trong đó, nhiều nhất là Kiên Giang với 287 tàu.
Nguyên nhân của những hạn chế kể trên được cho là do ý thức của chủ tàu cá, thuyền trưởng còn hạn chế trong việc lắp đặt thiết bị cũng như vận hành bật, phát tín hiệu khi tàu cá hoạt động biển. Thêm nữa, việc vận hành hệ thống giám sát tàu cá từ Trung ương đến địa phương chưa bảo đảm thông suốt, kịp thời, hiệu quả…
Để tháo gỡ, đại diện ngành thủy sản cho rằng, các địa phương cần rà soát, đánh giá tình hình để đề xuất cơ chế hỗ trợ ngư dân lắp đặt, duy trì hoạt động thiết bị bảo đảm thường xuyên, liên tục. Cùng đó, đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn lực con người để bảo đảm vận hành hệ thống giám sát tàu cá từ Trung ương đến các địa phương suôn sẻ. Mục tiêu mới trong năm 2021 sẽ kiểm tra, rà soát, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá; tuy nhiên, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa đối với các trường hợp cố tình ngắt kết nối, không lắp đặt thiết bị GSHT khi đi khai thác thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 100 tàu cá của tỉnh mất kết nối trên 10 ngày trên biển. Chi cục Thủy sản tỉnh đã gửi văn bản thông báo và chỉ đạo các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương xác minh, làm việc với chủ tàu cá để nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết thực hiện mở thiết bị 24/24. Tàu cá nào tiếp tục vi phạm thì xử lý theo Nghị định 42 của Chính phủ. Cùng đó, tỉnh cũng kiểm soát chặt chẽ tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT, kiên quyết không cho xuất bến; xử lý nghiêm với chủ tàu cá đã được thông báo, cảnh báo nhưng không thực hiện lắp đặt thiết bị…
Bảo Hân