Qua những khúc đường nhựa rợp bóng dừa, xuyên qua những con đường dal có đoạn bị sụp lở do triều cường, 2 bên đường liên tiếp xuất hiện những đầm tôm lung linh dưới nắng. Ấp Tân Bình (Tân Thạnh, Tân Phú Đông, Tiền Giang) bây giờ hoàn toàn thay đổi, vườn tược xanh màu, đầm tôm nối nhau xoay nước trắng xóa, nhà tường nhiều hơn trước đây. Một số ngư dân lên bờ đổi nghề, nhưng còn trên 50% đàn ông nơi đây không ngại gian lao, nguy hiểm, vẫn ra khơi bám biển.
Qua những khúc đường nhựa rợp bóng dừa, xuyên qua những con đường dal có đoạn bị sụp lở do triều cường, 2 bên đường liên tiếp xuất hiện những đầm tôm lung linh dưới nắng. Ấp Tân Bình (Tân Thạnh, Tân Phú Đông) bây giờ hoàn toàn thay đổi, vườn tược xanh màu, đầm tôm nối nhau xoay nước trắng xóa, nhà tường nhiều hơn trước đây. Một số ngư dân lên bờ đổi nghề, nhưng còn trên 50% đàn ông nơi đây không ngại gian lao, nguy hiểm, vẫn ra khơi bám biển.
Gia đình anh Huỳnh Văn Lọ (sinh năm 1960) có 3 người đi biển gồm anh cùng con trai Huỳnh Công Nhớ (26 tuổi) và con rể Lý Văn Toàn (33 tuổi). Chị Nhung (vợ anh Lọ) cho biết: “Anh Lọ vừa đi biển cách nay 10 ngày, khoảng 2 tháng nữa anh mới về, bây giờ đi biển lâu mới có ăn. Sau này cha con ảnh đi còn liên lạc được chớ ngày xưa ảnh đi là đếm từng ngày, ở nhà rầu thúi ruột, chừng nào về thì hay.”
Hơn 25 năm, anh Lọ sống bằng nghề câu mực, con trai lớn lên cũng đi ghe mực như cha rồi cũng như cái duyên, anh chị gả con gái cho Toàn – Toàn cũng là dân đi biển từ năm 14 tuổi. Chúng tôi đến nhà gặp Toàn vừa về sau chuyến đi biển hơn 2 tháng, nghe kể về những chuyến ra khơi vất vả, nhiều lần tưởng nằm lại biển khơi bởi những hiểm nguy sóng to, gió lớn luôn rình rập.
Người câu mực khi ra đến điểm neo tàu, sáng sớm mỗi người mỗi thúng bơi ra xa thả câu một mình. Lần nguy hiểm gần đây nhất, Toàn bị sóng lớn đánh gãy chèo, té đập người vào thúng giập bẹ sườn, cố đeo thúng thả neo mà chịu cho qua cơn đau trong những đợt sóng tưởng chừng sắp úp thuyền để chờ bạn đến tiếp cứu. Lần đó Toàn về nhà, thuốc men cả tháng mới lại sức.
Nhà anh Huỳnh văn Phương (sinh năm 1966), có 3 đời đi biển, anh là đời thứ 2 thừa kế nghề biển của gia đình, vừa câu mực, vừa làm tài công vì có tàu nhà. Anh Phương kể:
“Tôi gặp nhiều cơn bão nhưng bão số 5 (năm 1997) dữ dội lắm. Lúc ấy, tôi làm chủ tàu kiêm tài công; tàu đứt dây neo, tôi té xuống biển nhưng may mà không có đợt sóng tiếp theo nên được anh em tiếp cứu. Tôi lên tàu tiếp tục cầm lái, kinh nghiệm lâu năm đi biển, tôi chạy theo lượn sóng tìm chỗ tránh bão. Bão biển khủng khiếp lắm, sóng lớn như những tòa nhà và gió thì khỏi phải nói, may mắn cả tàu bình an trở về”.
Anh Huỳnh Văn Phương chuyển nghề nuôi tôm.
Bây giờ anh Phương nhường tay lái lại cho em trai, anh làm vườn trồng dừa và nuôi tôm, nhưng 2 con trai của anh vẫn theo nghề truyền thống của gia đình. Khánh (sinh năm 1988, con trai anh Phương) nói: “Cháu đi biển hồi 15 tuổi, thích lắm, nghề này của ông nội truyền cho ba rồi đến tụi cháu. Cháu đi biển mới về, ít bữa nữa đi tiếp. Lúc này đi biển cực lắm vì sang mùa gió chướng sóng to, gió lớn; hồi đó, bão số 5 cũng vào tháng 10 này, may mà nhà em bình yên hết chứ ở đây cũng nhiều người bỏ xác ngoài khơi”.
Em trai của Khánh là An Bình (sinh năm 1996) mới 12 tuổi đã mê biển nên xin ba ra khơi. Biển không phải chỉ đẹp và trữ tình như bài em đã học, mà biển còn có sóng gió rất dữ, An Bình say sóng mấy ngày liền, vậy mà em không sợ, con nhà nòi mà. Ngoảnh lại đã gần 5 năm Bình theo các chú, các anh câu mực và tay nghề cũng chẳng thua ai. Mẹ An Bình tâm sự: “Nhà cha với chú của nó đều đi biển, mỗi lần cha con nó xuống tàu là tôi lo thắt ruột, lúc nào cũng nguyện cầu cho biển lặng, gió yên nên đặt tên nó là An Bình!”
Còn Chị Nguyễn Thị Trong (sinh năm 1964) vợ anh Ngô Bình Lang (sinh năm 1964, tài công lái tàu thuê) cùng xóm với An Bình chia sẻ: “Mỗi lần ảnh đi, chị ăn ngủ không yên, hồi bão số 5 chị thức trắng đêm, thấy ảnh về tới mừng quá khóc òa lên. Nhiều lúc chị kêu ảnh bỏ nghề biển ở nhà có gì ăn nấy, nhưng ảnh nói đi quen rồi, ở nhà buồn nhớ biển, nhớ anh em…”. Anh Lang đang phụ vợ sửa nhà sợ nhà cửa không chắc chắn, anh đi không an lòng.
Anh Lý Văn Toàn bên vợ con sau chuyến đi biển dài ngày.
Nói đến bão biển, người dân Tân Bình vẫn còn bàng hoàng trong nỗi lo sợ và mất mát. 16 năm qua, bão số 5 (bão Linda) như cơn ác mộng của một đời người, cả ốc đảo Tân Bình thức trắng với nỗi mong chờ người thân trong nước mắt. Ngày ấy, 90% đàn ông Tân Bình làm nghề biển, lúc đó Tân Bình nghèo chỉ toàn phụ nữ và trẻ em.
Chị Nguyễn Thị Cho nức nở: “Mười mấy năm rồi không tin tức của con trai, có người nói sợ nó bị đập đầu vào đá, vào tàu rồi mất trí nhớ, sợ nó lạc vào đảo nào đó rồi chưa biết đường về… Chị mong như vậy nên không dám làm bàn thờ cho thằng Nhựt (Trương Công Nhựt mất tích trong bão số 5 lúc 18 tuổi).
Chị gởi hình nó trong chùa, nhưng năm nào mùng 4 tháng 10 âm lịch, chị cũng cúng nó và cầu nguyện nếu còn sống thì con hãy tìm về với má. Cùng chuyến tàu với nó có 7 người bị nạn không về nữa”. Chị Cho lau nước mắt, nỗi đau mất con của chị như cồn lên mỗi khi mùa gió chướng về.
Ghé nhà anh Lê Hoàng Thanh, đang thờ người anh trai Lê Hoàng Dũng cũng mất cùng ngày với Nhựt, anh Thanh buồn bã kể: “Năm đó, mưa bão dữ lắm, cả nhà đều trông đợi, van vái cho anh Dũng bình an trở về. Bà già khóc hết nước mắt, nhưng khi chủ tàu ngoi ngót ghé bến thì chúng tôi không còn hy vọng nữa, gia đình đã xuống Kiên Giang, ra Vũng Tàu tìm xác anh Dũng mà không có…”.
Đau thương là vậy, nguy hiểm là vậy, nhưng những bé trai ở Tân Bình cứ lớn lên là háo hức theo cha, anh đi biển, tiếp nối nghề của gia đình. Mãi mãi bóng dáng những ngư dân xứ Gò kiên cường trước sóng gió và bão biển, vẫn yêu biển, bám biển mà sống, mà giữ biển.