Gian nan chuyến biển đầu năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Biển động, ngư trường xa, chi phí chuyến biển lớn, lại thêm quấy phá, bắt bớ của tàu cá, kiểm ngư nước láng giềng…, ngư dân Việt Nam đang bước vào một mùa khai thác đầu năm đầy thử thách. Hải sản thu về vơi hơn nhưng lo lắng, bất an lại đong đầy!

Chi phí tăng cao, hiểm họa bất thường

Anh Nguyễn Đình Hiệp, chủ tàu QNg 95514 bày tỏ: Do mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ 2- 3 tháng mới vào bờ một lần, nên tàu phải trang bị khoảng 10.000 đến 12.000 lít dầu, 1,4 tấn gạo, 2.000 lít nước, trên 20 bình gas, cùng nhiều vật dụng, lương thực khác với tổng chi phí hơn 350 triệu đồng. Năm 2012, giá cả các mặt hàng đều tăng hơn năm trước nên tổn phí cũng tăng theo khoảng 15%.

 

 

Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, các tàu ngư chính, kể cả tàu chiến của Trung Quốc hàng năm vẫn thường quấy nhiễu trên vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 22/2/2012, tàu cá QNg-90281TS (ảnh) của ông Đặng Tằm ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào tránh bão trong khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu chiến Trung Quốc bắn đuổi và sau đó bắt giữ, đánh đập, phá hủy ngư cụ, tài sản.

Không bị tàu chiến Trung Quốc xâm hại thì ngư dân lại chịu hiểm họa từ thiên nhiên. Ngày 18/2, Tàu cá BĐ 91305 TS hành nghề lưới rút do ông Trần Niêm Mạnh làm thuyền trưởng cùng 11 ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển cách Nha Trang 136 hải lý thì gặp áp thấp nhiệt đới. Do sóng to gió lớn, tàu bị phá nước, hỏng máy giữa biển. Các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Định và Khánh Hòa đã liên tục tìm kiếm 12 ngư dân bị nạn nhưng không có kết quả.

Trước đó, trên đường ra quần đảo Trường Sa đánh bắt cá ngừ đại dương, tàu PYT96211TS của ông Phạm Văn Về (trú ở khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) cùng 8 lao động bị chết máy trôi tự do, một lao động đã tử nạn, 7 người còn lại được tàu PY90874TS của ông Đặng Ngọc Đánh (trú ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) dắt kéo về cửa Âu Tàu đảo Song Tử Tây tá túc.

 

Quyết ra khơi giữ biển

Để tiếp tục mưu sinh và khẳng định vùng lãnh thổ trên biển của mình, các ngư dân lại ra khơi. Thuyền trưởng Đặng Văn Tằm sau “cơn ác mộng” đối mặt với tàu chiến Trung Quốc đã được sự hỗ trợ của người dân cho vay vốn lại sắm sửa ngư cụ dong thuyền đánh cá trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Và họ không đơn độc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã khẳng định: “Hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. 

Cùng với đó, hàng trăm tàu đánh cá đã được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh, các mô hình, tổ đội đoàn kết khai thác được thành lập. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân cũng đang được hoàn thiện dần. Chương trình từ thiện “Tấm lưới tình nghĩa” đã đi vào hoạt động và đem đến những hỗ trợ không nhỏ cho những gia đình, những ngư dân gặp nạn trên biển. Với những nỗ lực này, những chuyến biển của ngư dân sẽ hạn chế bớt rủi ro và ngư dân yên tâm bám biển.

>> Ngày 24/2/2012, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 424/CT-BNN-TCTS về tăng cường công tác quản lý tàu cá, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản năm 2012.

Phương Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!