Gian nan gìn giữ giống cá quý hiếm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hiện nay, những loài cá được liệt vào hàng quý hiếm trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức, nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Do vậy, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài cá này đang trở nên cấp bách. Tuy nhiên, việc nhân giống và phát triển nuôi đối tượng này vẫn còn khá gian nan.

Sinh sản thành công nhiều loại cá quý

Những loài cá xếp vào hàng “ngũ quý hà thủy” như cá anh vũ, cá dầm xanh, cá lăng, cá chiên và cá bỗng, mỗi kg cũng có giá đến cả triệu đồng. Và cũng do có giá trị lớn nên những loài cá này ngoài tự nhiên hiện đang bị khai thác rất mạnh. Chính vì thế, chúng càng trở nên quý và hiếm.

Để phát triển nghề nuôi cá quý hiếm, ngay từ những năm 2002 – 2004 Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (Từ Sơn – Bắc Ninh) đã nghiên cứu và cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá lăng chấm (Hemibagrus guttatus). Đến nay, cá lăng chấm đã trở thành đối tượng nuôi mang lại hiệu quả cao ở nhiều địa phương như Hải Dương, Vĩnh Phúc…


Nhiều loại cá quý hiếm đã được sinh sản nhân tạo thành công – Ảnh: Hoàng Hải

Sau cá lăng chấm là cá anh vũ, loài cá “tiến vua” cũng được Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Hải Dương) cho sinh sản nhân tạo thành công. Các mô hình nuôi thử nghiệm cá anh vũ thương phẩm trong ao nước chảy và ao nước tĩnh cũng đã mang lại những thành công nhất định.

Từ những thành công ban đầu, đến nay, nhiều địa phương đã được chuyển giao kỹ thuật và sản xuất giống cá lăng chấm, cá anh vũ thành công như Nam Định, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ… Ngoài ra, các giống cá chiên, cá bỗng cũng đã được nghiên cứu sinh sản thành công bước đầu ở Yên Bái.

Còn tại ĐBSCL, việc Trung tâm Giống thủy sản An Giang bước đầu cho sinh sản thành công giống cá hô – loài cá quý hiếm ở sông Mê kông không chỉ bảo tồn được loài cá quý này mà còn tạo ra đối tượng nuôi mới hiệu quả cho người dân nơi đây.

 

Khó khăn còn nhiều

Việc sinh sản thành công nhiều giống cá quý là tin vui đối với người nuôi. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn như tỷ lệ thành thục cá bố mẹ còn thấp (chỉ khoảng 50%), tỷ lệ đạt cá giống còn thấp… Vì vậy, cần nghiên cứu nâng cao tỷ lệ thành thục của cá bố mẹ trong quá trình nuôi vỗ, tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ sống trong quá trình ương.

Bên cạnh đó, hiện nay nghề nuôi cá quý hiếm thương phẩm còn gặp nhiều khó khăn như: đầu tư lớn (nếu nuôi lồng bè); kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh vẫn chưa có, người nuôi chỉ tự tìm hiểu và nuôi theo cách truyền thống là chủ yếu, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao.

Mặt khác, hiện chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp cho các loài cá này, người nuôi phải sử dụng thức ăn tự chế biến, thức ăn tươi sống nên nguy cơ ô nhiễm môi trường và rủi ro về bệnh dịch bệnh là rất lớn.  

>> Để phát triển nghề nuôi cá quý hiếm, bên cạnh vấn đề về con giống, kỹ thuật cần quan tâm đến quy hoạch bố trí vùng nuôi hợp lý để tránh hiện tượng lồng nuôi cá bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường và thiệt hại.

Thanh Thủy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!