T2, 06/07/2020 10:33

Gian nan thương hiệu nước mắm Phú Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Thương hiệu nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU. Với chứng nhận này, nước mắm Phú Quốc có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tăng sản lượng, lợi nhuận. Thế nhưng còn nhiều sự vướng.

Nghịch lý giá nước mắm

Mặc dù được thế giới công nhận là một thương hiệu quốc gia, nhưng trước những biến động của thị trường, nghề làm nước mắm lại đứng trước nguy cơ mai một bởi chi phí đầu vào tăng cao, trong khi người làm mắm không tự quyết định được giá bán.

Nếu 1 chai rượu vodka sản xuất dạng công nghiệp có giá bán 90.000 đồng thì 1 lít nước mắm 43 độ đạm được bán với giá khoảng 30.000 đồng – 1 gia đình có thể sử dụng trong 1 tháng, trong khi làm ra nó mất hơn 1 năm. Giá bán sản phẩm không tương thích, không phù hợp công sức để làm ra. Điều đó cho thấy sự trớ trêu về mức giá chênh lệch giữa nước mắm và nhiều sản phẩm khác.

Ở huyện đảo Phú Quốc, nghề làm nước mắm có truyền thống hàng trăm năm, nay trở thành nạn nhân của sự bất cập về giá. Ông Nguyễn Văn Giao (thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc), chủ nhà thùng cho biết, 1kg cá tươi đã tăng 120% tức là từ 8.000 đã lên tới 20.000 đồng. Lý do là khan hiếm nguyên liệu, thương lái nơi khác đến tranh mua. Vậy nhưng giá 1 lít nước mắm làm ra vẫn không thay đổi, 30.000 đồng. Từ lợi nhuận năm nào bỗng trở thành gánh nặng trên vai người làm mắm hôm nay. Kết cục là cơ sở của ông Giao với 120 thùng làm mắm đã gần ngưng hoạt động hoàn toàn.

Mai một nghề nước mắm

Người làm ra sản phẩm không quyết định được giá bán – Câu chuyện tưởng như chỉ ở lúa gạo, cá tra nay là nước mắm. Sự cạnh tranh ngầm trong những người làm mắm, họ khó có thể ngồi lại với nhau để đưa ra giá phù hợp. Trong khi, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc mới ra đời còn non trẻ, vai trò của các cơ quan nhà nước mờ nhạt dẫn tới nguy cơ mai một nghề nước mắm Phú Quốc.

>> “Trước kia, mỗi năm huyện Phú Quốc làm ra 30 – 50 triệu lít nước mắm, hiện tại thì số lượng này giảm một nửa. Thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã lên ngôi nhưng nghề làm mắm lại đang suy giảm mà bản thân những người sản xuất không thể tự mình có giải pháp” – Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nói.

Từ năm 2012, nguồn cá cơm bắt đầu khan hiếm, sản lượng giảm nhiều, trong khi nhiều thương lái nơi khác về thu gom với giá gấp đôi (10.000 – 20.000 đồng/kg). Những nhà thùng không thể cạnh tranh, bởi nếu mua với giá đó thì làm mắm sẽ chỉ lỗ và lỗ.

Tranh mua tranh bán là hệ quả từ việc khan hiếm nguồn cá cơm. Đặc biệt đánh bắt bằng phương pháp tận diệt như giã cào càng làm nghiêm trọng tình trạng khan hàng.

Theo Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, năm 2013, hoạt động sản xuất nước mắm Phú Quốc đã giảm 60% – tức chỉ còn khoảng 20 triệu lít/năm; nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì số lượng sẽ tiếp tục giảm. Hiện nay khoảng 60/100 nhà thùng ở đây đã gần như… nghỉ.

Được bảo hộ về chỉ dẫn xuất xứ địa lý, nhưng ở nơi ấy nghề làm mắm truyền thống hàng trăm năm lại đứng trước nguy cơ bị mất.

 

Gian nan một thương hiệu

Thực tế thương hiệu nước mắm Phú Quốc là của chung, dùng chung. Vấn đề đặt ra, sau bảo hộ sản phẩm xuất xứ địa lý thì sẽ có bao nhiêu sản phẩm nước mắm có chung tên gọi vào thị trường EU? Thực tế có hàng trăm cơ sở sản xuất từ huyện đảo, tỉnh Kiên Giang và thậm chí TP Hồ Chí Minh đều có chung tên gọi này. Và liệu chuyện này có tái diễn với kịch bản cá tra, basa?

Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm Phú Quốc làm ăn thua lỗ đã ngưng hoạt động – Ảnh: CTV

Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc cho biết, 90% nước mắm xuất thô – tức chưa đóng chai mà bán can – nên giá rẻ. Nhưng doanh nghiệp địa phương khác mua về, pha chế với số lượng nhiều hơn và giá bán thấp hơn nhưng vẫn mang tên Phú Quốc. Nếu nước mắm chính hiệu Phú Quốc mà nâng giá bán thì không cách gì cạnh tranh. Người tiêu dùng thì chóng mặt, hoa mắt bởi không dễ phân biệt vài chục kiểu nước mắm Phú Quốc. Thực trạng này đã trở thành một thói quen, một cách kinh doanh tự triệt tiêu mà người làm mắm chưa thể hóa giải.

Bà Hồ Kim Liên – Giám đốc Doanh nghiệp Khải Hoàn cho biết, thách thức lớn nhất và được coi là quyết định việc xây dựng thương hiệu nước mắm Phú Quốc, đó là hiện trạng hàng trăm loại nước mắm cùng mang tên gọi trên thị trường bày bán từ chợ đến siêu thị ở khắp cả nước. Dẫu chỉ có 100 doanh nghiệp trên đảo, sản xuất với lượng 30 – 50 triệu lít/năm, nhưng số nước mắm tiêu thụ mỗi năm 200 – 300 triệu lít.

Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, thách thức đầu tiên là không phải nhà thùng nào cũng chấp nhận mẫu tem chung mới, vì cho rằng tem cũ của mình đã là thương hiệu riêng. Thách thức thứ hai là 90% nước mắm Phú Quốc đều bán với dạng thô kiểu đóng can thế này.

Nước mắm Phú Quốc là một thương hiệu quốc gia – một định vị rất quan trọng trong thương mại mà khu vực châu Âu vốn nổi tiếng khắt khe công nhận. Đây là một thành công lớn của chúng ta. Nhưng một lần tin và bảo hộ không có nghĩa đã xong. Người ta sẽ phải làm gì để giữ một thương hiệu chung, xây dựng một thương hiệu quốc gia đúng nghĩa. Vai trò quản lý nhà nước trong việc tập hợp thế nào?… Những câu hỏi này cần được trả lời sớm. Một chặng đường dài và lắm chông gai phía trước đang chờ nước mắm với tên gọi chung Phú Quốc.

>> Theo Bộ Công thương, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ ở tất cả các nước trong EU. Việc bảo hộ tên gọi xuất xứ tại EU đã nâng cao uy tín thương hiệu nước mắm Phú Quốc của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả nước mắm Phú Quốc tại thị trường EU… và mở đường cho việc đăng ký độc quyền các mặt hàng nông sản tiềm năng khác tại thị trường nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc cho biết, châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu nước mắm chính với khoảng 800.000 lít/năm (tổng sản lượng xuất khẩu 1,2 – 1,5 triệu lít/năm). Với việc được cấp chứng nhận độc quyền, sắp tới, xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang thị trường này sẽ tiếp tục tăng.

Giang Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!