T2, 06/07/2020 09:53

Giành nhau từng con tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Các nhà máy thủy sản ĐBSCL đang bước vào cao điểm chế biến xuất khẩu khiến giá tôm nguyên liệu đồng loạt tăng giá mạnh. Giá tôm sú đạt ngưỡng kỷ lục 250.000 đồng/kg, tăng từ 20 – 40% (tùy loại) so năm 2010. Thương lái các tỉnh phải giành giật nhau từng con tôm!

Người nuôi trúng giá

Những ngày này, nông dân các tỉnh ĐBSCL phấn chấn khi giá tôm sú tăng từng ngày. Tại Cà Mau, tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi tôm lớn nhất ĐBSCL, với diện tích nuôi tôm lên hơn 260.000 ha (sản lượng 100.000 – 120.000 tấn/năm), nhưng hiện nay đang rơi vào tình trạng các nhà máy thiếu trầm trọng nguồn tôm nguyên liệu. Giá tôm sú nguyên liệu đang đứng ở mức cao ngất ngưởng từ 180.000 – 250.000 đồng/kg (tùy loại). Theo ông Chu Văn An – Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, mặc dù năm 2011 giá tôm xuất khẩu sang các thị trường có tăng khoảng 10%, nhưng chi phí sản xuất đầu vào tăng 30 – 40%, cụ thể tôm chân trắng tăng từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, tôm sú tăng 40.000 – 60.000 đồng/kg so với trước, lãi suất ngân hàng và lương công nhân đều tăng khiến cho các doanh nghiệp càng gặp khó khăn.

Ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) – Chuyên gia nuôi tôm sạch ở Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) phấn khởi: “Năm nay hầu hết người nuôi trúng giá tôm, vì diện tích nuôi tôm sú ở các tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại nhiều, diện tích nuôi khôi phục chậm, sản lượng giảm mạnh. Mặc dù tôm nuôi ở tỉnh Bạc Liêu cũng thiệt hại trên 13.000 ha, nhưng nhờ gia đình tôi có khu ao nuôi khá hoàn chỉnh, thực hiệm nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật cùng với kinh nghiệm nuôi trong nhiều năm qua. Năm 2011 này gia đình thả nuôi gần 2 triệu con tôm sú giống trên diện tích 15 ha mặt nước, đến nay được hơn 5 tháng tuổi tôm nuôi đạt kích cỡ từ 23 – 27 con/kg; gia đình đang tiếp tục chăm sóc tôm đạt cỡ 18 – 20 con/kg mới thu hoạch”. Ông Ngoãn cho biết thêm, năm 2010 gia đình ông nuôi tôm chỉ thu lợi nhuận từ 40 – 50% so giá thành, còn năm nay nhờ giá bán tăng cao, khả năng lợi nhuận đạt 90 – 100% so với giá thành. Ông Ngoãn dự kiến vụ này thu hoạch trên 30 tấn tôm thương phẩm, trừ chi phí “ẵm” hơn 3 tỷ đồng là nằm trong tầm tay, trung bình thu lãi 200 triệu đồng/ha.

Nông dân ở các tỉnh ĐBSCL phấn chấn khi giá tôm sú tăng                        Ảnh: Phan Thanh Cường

Tương tự là tỉnh Trà Vinh. Ông Hà Văn Bạc, ở ấp Cà Tum B, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, mừng ra mặt: “Chưa năm nào tôi trúng lớn như vầy, gia đình thả 260.000 con tôm sú giống trên diện tích hơn 8.000 m2, sau 4 tháng thu hoạch được 6,45 tấn (cỡ tôm 22 – 25 con/kg), với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg, trừ chi phí lời trên 800 triệu đồng”.

 

Xuất khẩu thuận lợi, nhưng vẫn lo!

Từ nay đến cuối năm là cao điểm xuất khẩu, đối với con tôm thì đây là thời điểm rất thuận lợi, nhất là vào dịp Trung thu, Nôel và Tết dương lịch vì nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản ở các nước tăng cao, đặc biệt là mặt hàng tôm.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối tháng 7/2011 diện tích tôm nuôi bị thiệt hại của 8 tỉnh ĐBSCL là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Long An và Bến Tre 65.593 ha nuôi tôm sú và tôm chân trắng (gấp 2,3 lần so với năm 2010); Trong đó, các tỉnh thiệt hại nặng nhất là Sóc Trăng 23.200/35.000 ha (chiếm 66% diện tích thả nuôi), Bạc Liêu 13.536/118.911 ha (chiếm 11% diện tích thả nuôi), Kiên Giang 11.252/76.483 ha (chiếm 14,7%). Ước tính sản lượng toàn vùng giảm hơn 100.000 tấn tôm.

Mặc dù giá tôm nguyên liệu cao ngất ngưởng, nhưng nguồn cung khan hiếm nên nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL chỉ hoạt động từ 40 – 50% công suất. Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 100 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang. Riêng tại tỉnh Cà Mau có hơn 25 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đang “đói” nguyên liệu trầm trọng; tại Tiền Giang các công ty cử người xuống trực tiếp các vùng nuôi để thu mua từng mớ tôm nguyên liệu.

Ông Nguyễn Văn Bang – Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long Trà Vinh (Cuulong Seapro), cho biết: “Công ty phải tổ chức tận lực thu gom cũng chỉ đáp ứng được một phần công suất của nhà máy, doanh nghiệp gặp khó nhưng nông dân nuôi tôm cũng bị thiệt hại nặng vì dịch bệnh nên cả hai đều gặp khó”. Ông Bang cho biết thêm, theo kế hoạch, năm 2011, Cuulong Seapro sản xuất và xuất khẩu 6.250 tấn tôm đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 60,75 triệu USD, tăng 10 triệu USD so với năm 2010. Mặc dù, trong 7 tháng đầu năm 2011 thu mua được hơn 2.200 tấn, chiếm khoảng 30% sản lượng tôm nguyên liệu của tỉnh, trong khi năm 2010 Công ty mua tới hơn 60% sản lượng tôm toàn tỉnh. Do đó, công ty cũng mới đạt kim ngạch xuất khẩu 22,157 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mới đạt 36,4% kế hoạch năm 2011.

Thực tế của vụ nuôi tôm ở ĐBSCL hiện nay đã làm cho ngành chuyên môn các tỉnh hết sức lo lắng. Ông Lâm Thanh Bình – Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, nói: “Hàng năm tình hình tôm nuôi ổn định nhưng vẫn không cung cấp đủ nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, nên việc tôm nuôi bị thiệt hại lan rộng như năm nay chắc chắn các nhà máy càng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Như tỉnh Trà Vinh có khoảng 25.000 ha thả nuôi năm 2011, do dịch bệnh nên dự kiến khả năng chỉ thu hoạch sản lượng 21.000 – 22.000 tấn, đáp ứng cho các nhà máy trong tỉnh sản xuất 60 – 70% công suất thiết kế, theo đó việc tranh mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ rất gay gắt. Trước thực trạng tranh mua tranh bán đó, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra chất lượng tôm nguyên liệu, tránh để tư thương lợi dụng khan hiếm tôm để bơm chích tạp chất hoặc gian lận việc cân, đo trong mua bán…

>> Hiệp hội Thủy sản Trà Vinh: Thị trường tôm lúc này “nhanh tay thì còn – chậm tay thì mất”. Do đó, chất lượng tôm nguyên liệu cần được quan tâm nhiều hơn…

K.Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!