Giấy chứng nhận và “sức khỏe” doanh nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong khi doanh nghiệp và VASEP đều khẳng định nếu chủ hàng và nước nhập khẩu không yêu cầu thì lô hàng thủy sản không cần giấy Chứng nhận kiểm dịch, thế nhưng, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất lại bảo có. Vậy làm gì để thống nhất, vừa đảm bảo kiểm soát lại không trễ các đơn hàng của doanh nghiệp.


Xuất khẩu thủy sản còn nhiều vướng mắc về giấy chứng nhận Ảnh: An Đăng

Hàng xuất cần

Theo thông tin từ văn bản mới đây của VASEP, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc Cơ quan Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất yêu cầu các lô hàng thủy sản khi xuất khẩu qua Cảng sân bay Tân Sơn Nhất phải có giấy Chứng nhận kiểm dịch mới được thông quan xuất khẩu. Trước đây, giấy Chứng nhận kiểm dịch này do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cấp.

Về vấn đề này, theo khoản 2, Điều 53 Luật Thú y 2015: Động vật, sản phẩm động vật thủy sản có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch trước khi xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu, của chủ hàng và trước khi nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải được kiểm dịch.

Như vậy theo quy định này, các lô hàng thủy sản xuất khẩu cần có giấy Chứng nhận kiểm dịch kèm theo nếu nước nhập khẩu và chủ hàng có yêu cầu bắt buộc, còn lại thì không nhất thiết phải có giấy này mới được phép thông quan.

Trước đây, NAFIQAD đã ban hành Công văn số 442/QLCL-CL1 ngày 20/3/2014 thông báo 7 thị trường có yêu cầu phải cấp giấy Chứng nhận kiểm dịch. Tuy nhiên, công văn này ban hành dựa trên Pháp lệnh Thú y năm 2003 và Thông tư số 06/TT-BNNPTNT ngày 2/2/2010 của Bộ NN&PTNT quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản. Vậy nhưng hiện nay, cả hai văn bản này đều đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Thú y 2015 và Thông tư 26/TT-BNNPTNT, đồng thời, từ năm 2014 đến nay, các yêu cầu của thị trường nhập khẩu cũng có nhiều thay đổi. Do đó, công văn trên của NAFIQAD không còn hiệu lực nữa. Mặt khác, Bộ NN&PTNT cũng chưa ban hành văn bản nào quy định thị trường yêu cầu  bắt buộc các lô hàng thủy sản xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo. Do đó, theo VASEP, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất không có căn cứ để xác định đối với thị trường xuất khẩu nào thì lô hàng bắt buộc phải có giấy Chứng nhận kiểm dịch kèm theo mới được thông quan. Điều này không chỉ chưa đúng với quy định hiện hành, mà còn gây lãng phí về thời gian, chi phí, nhân lực… cho cả hải quan và doanh nghiệp do phải thực hiện thêm thủ tục hành chính phát sinh.

Để tháo gỡ vướng mắc này, VASEP đã đề nghị Cục Thú y sớm xem xét giải quyết, đồng thời, tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành các văn bản quy định thị trường nhập khẩu thủy sản nào cần giấy Chứng nhận kiểm dịch kèm theo lô hàng.

Hàng nhập cũng cần

Cũng liên quan vấn đề giấy Chứng nhận kiểm dịch, trước đây, nhiều doanh nghiệp cũng than thở về quy định phải đăng ký kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu và quy định này không chỉ một cơ quan mà có cả hai cơ quan chịu trách nhiệm, đó là NAFIQAD và Cục Thú y. Điều này khiến doanh nghiệp tốn thêm rất nhiều chi phí bởi phải thuê kho bãi chờ đợi kết quả của ngành chức năng.

Cụ thể, thực hiện Thông tư số 01/2012/TT-BTC ngày 3/1/2012 của Bộ Tài chính về thông quan hàng hóa nhập khẩu phải kiểm dịch, trong đó quy định cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng nhập khẩu; xác định form của cơ quan nước xuất khẩu cấp (quy định sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng, lô hàng đủ tiêu chuẩn thú y, không lây lan dịch bệnh động vật); thủ tục đăng ký xin giấy phép kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu là hàng mẫu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết, lượng hàng mẫu rất nhỏ, họ gửi qua hàng không thể tiết kiệm thời gian nhằm quyết định mua hay sản xuất, do vậy, việc phải chờ đợi như vậy đã khiến phát sinh thêm nhiều chi phí và thời gian không cần thiết. Bởi, có khi lượng hàng mẫu chỉ khoảng 0,5 – 1 kg hay nhỏ hơn cũng phải làm đầy đủ thủ tục với khoảng thời gian 7 – 15 ngày. Chưa kể, doanh nghiệp còn phải gánh thêm nhiều chi phí khác.

Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề về thủ tục hành chính đối với việc xuất, nhập khẩu thủy sản. Do vậy, theo đánh giá, những thủ tục hành chính rườm rà cùng sự chồng chéo, bất nhất trong quá trình thực hiện đã và đang ảnh hưởng không tốt đến “sức khỏe” của doanh nghiệp; mặc dù, Bộ NN&PTNT trước đó đã bãi bỏ khá nhiều thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để giúp thông thoáng hơn.

>> Theo VASEP, hiện có hai trường hợp lô hàng thủy sản xuất khẩu phải có giấy Chứng nhận kiểm dịch kèm theo, bao gồm: 1. Trường hợp chủ hàng có yêu cầu: Cơ quan Hải quan có thể căn cứ trên yêu cầu được thể hiện trong các chứng từ kèm theo lô hàng (đơn đặt hàng, hợp đồng…) để xác nhận chủ hàng có yêu cầu giấy Chứng nhận kiểm dịch hay không. 2. Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu giấy Chứng nhận kiểm dịch.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!