(TSVN) – Ngành tôm nội địa Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm mô hình nuôi tối ưu để gia tăng sản lượng bền vững mà không ảnh hưởng đến môi trường.
Tại tỉnh ven biển Giang Tô phía trên Thượng Hải, các trại nuôi tôm nhà màng quy mô nhỏ phát triển rầm rộ từ hơn thập kỷ qua và bắt đầu lan sang các tỉnh miền Nam trong những năm gần đây. Năm 2023, riêng tỉnh Giang Tô đã có khoảng 200.000 trại nuôi tôm nhà màng nhỏ trong khi các tỉnh miền Nam gồm Quảng Tây, Quảng Đông và Phúc Kiến có 250.000 trại. Tuy nhiên, các trại nuôi tôm ở Giang Tô chỉ sản xuất 1 – 3 vụ nuôi mỗi năm do mùa đông lạnh giá. Trái lại, các tỉnh miền Nam dễ dàng quản lý hơn 3 vụ tôm hàng năm. Theo Tiến sĩ Fuci Guo, Giám đốc nuôi trồng thủy sản toàn cầu tại Royal Agrifirm Gou, trung bình 3 vụ và 15 tấn/ha/vụ, các trại nuôi này có thể sản xuất 450.000 tấn tôm mỗi năm. Con số này chiếm gần 30% sản lượng tôm nước mặn của Trung Quốc và chưa tính đến trường hợp mất mùa do bão lũ hoặc dịch bệnh.
Tổ hợp trại nuôi tôm của AquaOne gồm khu nuôi tăng trưởng và trại giống tại Hà Bắc, phía Bắc Trung Quốc. Ảnh: AquaOne
Các trang trại nhà màng nhỏ gồm các ao đất nhỏ không lót bạt (0,04 ha và sâu 1 m), được bao phủ bằng khung thép và tấm nhựa. Mật độ thả nuôi thường 75 – 100 PL/ m2. Chi phí đầu tư ban đầu khoảng 7.000 USD. Nông dân nuôi 2 đến 3 vụ tôm mỗi năm với sản lượng 12 – 30 tấn/vụ/ha. Nông dân sử dụng công nghệ biofloc, sục khí nano, và rất nhiều probiotic để duy trì chất lượng nước.
Mặc dù các trại nhà màng nhỏ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành tôm trong thập kỷ qua, và bù đắp sụt giảm sản lượng từ ao nuôi truyền thống ở miền Nam, nhưng cũng đang gặp nhiều trở ngại. Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu siết chặt quy định sử dụng đất và nước để ngăn chặn ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế mở rộng trại nuôi tôm ở Giang Tô. Kỳ vọng trại nuôi nhà màng nhỏ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành tôm Trung Quốc trong tương lai, một lần nữa, lại trở nên mong manh.
Nhiều chuyên gia, trong đó có tiến sĩ Guo đều nhận định động lực tăng trưởng trong tương lai của ngành tôm nội địa là các trại nuôi RAS ở khu vực trung tâm đô thị của Trung Quốc. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Gou, giai đoạn 2014 – 2023, diện tích trại nuôi RAS đạt 8 triệu m3 nhưng chỉ cung ứng tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng tôm của cả nước.
Các trại RAS chủ yếu phân bố dọc các tỉnh ven biển miền Trung và Bắc Trung Quốc gồm Sơn Đông, Hà Bắc, Thiên Tân, Giang Tô và Niêu Ninh. Nhiều trại nuôi quy mô nhỏ như AquaOne cũng đã bắt đầu tìm đến mô hình RAS. Các tập đoàn thức ăn thủy sản lớn như Tongwei, Haid, C.P, và Evergreen cũng mạnh tay rót vốn đầu tư nuôi tôm RAS và 8 trại nuôi RAS của các doanh nghiệp này đang chiếm tổng diện tích 2 triệu m3. Mặc dù sản lượng tôm từ các trại RAS chưa bằng một nửa tổng sản lượng tôm của cả nước nhưng triển vọng tương lai sẽ sáng hơn.
Các trại RAS nuôi tôm mật độ cao với 3 – 5 vụ/năm. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng, các trại này cần giải quyết được thách thức dịch bệnh, lọc nước và chi phí sản xuất cao. Chi phí sản xuất tại trại RAS ước tính 5 USD/kg và đầu tư ban đầu cao, nhưng Tongwei hay C.P vẫn không ngại rót vốn vào mô hình này.
Mới đây, Tongwei công bố đầu tư 130 triệu USD trong 10 năm để phát triển trại tôm RAS. Công ty này đặt mục tiêu sản lượng 10.000 tấn trong năm nay và tăng lên 1 triệu tấn trong vòng 5 – 10 năm tới. Tiến sĩ Gou cho rằng, một khi các ông lớn như C.P, Haid, và Evergreen đầu tư vào nuôi tôm RAS, thì các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ đi theo. Ông tin rằng, RAS sẽ góp phần đáng kể vào sản xuất tôm của Trung Quốc trong tương lai.
Đan Linh
(Theo Shrimpnews)