(TSVN) – Mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam đang giữ vị thế tốt ở các thị trường trọng điểm. Khó khăn, thách thức vẫn luôn hiện hữu, song nhiều cơ hội mới đang được mở ra.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, tôm mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất cho ngành thủy sản, với gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường Mỹ, lượng hàng tồn kho đã giảm, các nhà bán lẻ đang bổ sung hàng tồn kho trước mùa lễ hội cuối năm. Thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ cũng phần nào giúp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ khả quan hơn. Còn tại thị trường Nhật Bản, giá xuất khẩu TTCT dự kiến tăng do các sản phẩm chế biến sẵn của Việt Nam vẫn được ưa chuộng và đồng Yên tăng giá.
Khi mà tôm Ecuador và Ấn Độ phải đối mặt với cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động, những cơ hội mới có thể xuất hiện cho tôm Việt Nam. Giá TTCT nguyên liệu sống tại Việt Nam, được chế biến thành các sản phẩm cao cấp hơn, vẫn tiếp tục ổn định, trong khi giá trung bình của tôm sú lớn hơn có xu hướng tăng nhẹ.
Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục, giá xuất khẩu ở các thị trường đang và sẽ tiếp tục tăng là động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm và năm 2025.
Đối với ngành tôm, để duy trì tốc độ tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm từ 4 đến 4,3 tỷ USD, chắc chắn các doanh nghiệp, người nuôi và cơ quan quản lý cần những chiến lược hợp lý, chính xác, thích ứng nhanh với tình hình thay đổi của thị trường, để có thể tạo ra những bước đi đột phá trong những tháng cuối năm.
Thực tế, xuất khẩu tôm tiếp tục gặp nhiều bất lợi, thách thức bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính, rào cản kỹ thuật đối với tôm nhập khẩu, cạnh tranh giá với Ấn Độ, Ecuador, giá cước vận tải biển tăng, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, giá thành sản xuất tôm cao và nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu,…
Trước đó, hồi đầu tháng 8/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ. Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá. Như vậy, ngay tại thị trường trọng điểm Mỹ, con tôm Việt Nam đã gặp bất lợi.
Tôm Việt Nam thành công tiến thẳng vào các thị trường khó tính, một phần cũng nhờ vào các sản phẩm tôm lúa, tôm sinh thái, hữu cơ, vì vậy, trong chiến lược phát triển con tôm sinh thái vẫn chiếm một vai trò quan trọng. Giảm dịch bệnh, tập trung đầu tư vùng nuôi, chủ động nguyên liệu, mở rộng những khách hàng mới là những giải pháp quan trọng giúp ngành tôm tăng cường sức mạnh nội tại, sẵn sàng cạnh tranh ở những thị trường lớn.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm bắt buộc phải đầu tư công nghệ tiên tiến hơn nữa để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao trong chinh phục thị trường quốc tế.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực chia sẻ rằng, nhờ vào đầu tư công nghệ hiện đại, phát huy thế mạnh là chế biến sâu, cho nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh từ tôm giá rẻ của các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế.
Đưa ra khuyến nghị cho ngành thủy sản nói chung, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, thị trường xuất khẩu thủy sản vẫn còn nhiều thách thức, rào cản và sức ép cạnh tranh với các nước khác, vấn đề thẻ vàng IUU, thuế chống trợ cấp tại Mỹ,…
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản, song cũng rất cần chủ động tìm kiếm khách hàng từ các hội chợ, triển lãm thủy sản quốc tế tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc để có thể hồi phục hoàn toàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, để đạt mục tiêu xuất khẩu gần 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình để phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
“Cơ hội xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm nay là rất lớn, nhất là khi nước ta đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng của Mỹ và các lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia nhận định, hầu hết thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đang gia tăng nhiều tiêu chuẩn khắt khe nên các doanh nghiệp cần chú ý vào những chứng nhận bền vững để duy trì năng lực cạnh tranh của mình. Để con tôm Việt Nam có thêm sức cạnh tranh, vượt qua những khó khăn được báo trước, ngành tôm cần phải nỗ lực nhiều hơn.
Thiện Tâm