Gỡ khó cho nhuyễn thể

Chưa có đánh giá về bài viết

Quảng Ninh là một trong những tỉnh có thế mạnh và sớm phát triển nghề nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Và đây cũng là tỉnh phải gánh chịu thiệt hại nặng nề từ nghề nuôi này do dịch bệnh gây nên. Làm sao để gỡ khó cho loài nuôi tiềm năng? Hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi nhuyễn thể là gì? TSVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Công (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Ninh để làm rõ hơn vấn đề này.

Ông có thể cho biết tiềm năng phát triển để nuôi các loài nhuyễn thể của Quảng Ninh?

Bờ biển Quảng Ninh dài 250 km, diện tích mặt biển trên 6 nghìn km2, có diện tích 43.093 ha rừng ngập mặn và bãi triều ở tuyến trung triều có thể nuôi nhiều giống hải sản giá trị kinh tế cao; 5.300 ha bãi triều nằm ở tuyến cao triều có thể nuôi hải sản theo hướng công nghiệp; Có 21.800 ha diện tích chương bãi và các cồn rạn có thể phát triển để nuôi các loài nhuyễn thể. Quảng Ninh sở hữu nhiều vịnh, vụng kín gió dọc theo bờ biển, như Vân Đồn, Tiên Yên, Hà Cối, Cô Tô; Đặc biệt là Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long với diện tích 1.553 km2, đây là lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè, nuôi đáy mà rất ít địa phương trong cả nước có được. Ngoài ra, Quảng Ninh còn có diện tích mặt nước ngọt có khả năng NTTS là 12.992 ha.

Theo đó, năm 2013, sản lượng nuôi trồng các loài nhuyễn thể là 9.343 tấn, chiếm gần 11% tỷ trọng tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng từ nuôi trồng nhuyễn thể là 23.551 tấn.

 

Lợi thế của nuôi nhuyễn thể là gì, thưa ông?

Nuôi nhuyễn thể là hình thức nuôi không đê cống, cần có hệ thống cảng cập tàu và khu vực dịch vụ hậu cần cho các vùng nuôi, hình thức nuôi này chủ yếu do người dân và nhà đầu tư bỏ vốn là chính, nhà nước hỗ trợ một phần nhỏ. Hơn nữa, nuôi nhuyễn thể không tốn chi phí thức ăn. Hiện, Quảng Ninh tập trung các đối tượng nuôi chính như tu hài, hàu, ngao, sò, ốc, nghêu, trai cấy ngọc. Các huyện có diện tích nuôi nhiều nhất là Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà (chiếm tới 90% diện tích nuôi). Ngoài ra các giá trị như ngọc trai, bào ngư, ốc được nuôi tại các địa phương có tiềm năng diện tích chương bãi lớn là Tiên Yên, Móng Cái và các vùng biển Cô Tô, Hạ Long. Mục tiêu đặt ra của chúng tôi là đến năm 2020 diện tích nuôi nhuyễn thể tỉnh Quảng Ninh đạt 5.182 ha, tăng 24% so với năm 2013, phù hợp với Quyết định số 1628/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/7/2011 của Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch nuôi nhuyễn thể tập trung đến năm 2020.

  Nuôi nhuyễn thể là một trong những thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh – Ảnh: Huy Hùng


Theo ông, giá trị lớn nhất của các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ là gì?

Đây là nhóm các sản phẩm sử dụng cho thực phẩm hiện nay được sử dụng chủ yếu dưới dạng tươi sống trước khi đến tay người tiêu dùng (không qua chế biến, đông lạnh). Đây cũng là đặc sản cung cấp cho du lịch và nhu cầu dân sinh hàng ngày. Trước đây, đã có một số đơn vị thử nghiệm đưa tu hài sang Hàn Quốc. Nhưng do đây là đối tượng mới, thị trường xuất khẩu nước ngoài chưa ổn định. Thêm nữa, nhu cầu tiêu thụ nội địa quá lớn nên các doanh nghiệp, hộ nuôi cũng chỉ tập trung vào cung cấp cho thị trường nội địa là chính.

 

Vừa qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề do dịch bệnh trên tu hài, đến giờ, đã tìm ra được tác nhân gây bệnh chưa, thưa ông?

Năm 2012, dịch bệnh xảy ra trên tu hài đã làm chết hơn 200 triệu con giống cấp 2, gây thiệt hại về kinh tế lên tới 200 tỷ đồng. Để hỗ trợ một phần cho các tổ chức và hộ gia đình thiệt hại, ngày 19/4/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2322/QĐ-UBND, quy định chính sách hỗ trợ giống tu hài bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Theo đó, mức hỗ trợ đối với hộ gia đình cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã theo mức: Thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 200 đồng/con giống; thiệt hại từ 30 – 70%, hỗ trợ 100 đồng/con giống. Đối với các doanh nghiệp, hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ cho các hộ gia đình cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Để tìm ra nguyên nhân gây bệnh làm chết hàng loạt tu hài, cuối tháng 8 vừa qua, tại Quảng Ninh, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tỉnh đã tổ chức hội thảo xác định nguyên nhân gây chết trên ngao, tu hài nuôi và giải pháp khôi phục nghề nuôi. Tuy nhiên vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cuối cùng gây chết tu hài tại Vân Đồn.

 

Vậy tình hình loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ này tại Vân Đồn hiện nay như thế nào, thưa ông?

Về mặt quản lý nhà nước, theo nguyên tắc vẫn đang dịch bệnh nên cả Bộ NN&PTNT cũng như tỉnh đều khuyến cáo người dân dừng nuôi tu hài. Bởi nếu nuôi thì bệnh cư trú và truyền từ đợt này sang đợt khác. Hiện giờ, sản lượng nuôi tu hài tại Vân Đồn là không đáng kể. Sắp tới, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ tổ chức hội nghị về phát triển nghề nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ bền vững. Hội nghị lần này sẽ quy tụ các chuyên gia đầu ngành về thủy sản. Chúng tôi quyết tâm tìm bằng được tác nhân gây chết trên con tu hài.

Thời gian qua một số hộ dân đã rất sáng tạo và phát hiện ra rằng loài tu hài có vòi màu tím có khả năng kháng bệnh tốt, không bị nhiễm, chết như loài tu hài có vòi màu trắng. Hiện, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, xem xét, đánh giá để nếu có thể thì tiến hành nhân rộng đối tượng nuôi này.

 

Trước tình hình đó, tỉnh có định hướng thay thế con tu hài bằng loài nhuyễn thể khác không, thưa ông?

Trong thời gian tạm dừng nuôi tu hài, một số hộ dân chuyển hướng sang nuôi ốc, ngao hoa, hầu, sò… cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu thụ tốt. Tuy nhiên một số loài trên lại không thuộc danh mục giống thủy sản được phép sản xuất kinh doanh (Quyết định 57/2008/QĐ-BNN ngày 2/5/2008). Để quy hoạch và có chiến lược phát triển dài hạn thì cần thiết phải bổ sung các đối tượng vào danh mục nuôi cho phép.

 

Vậy theo ông, để phát triển bền vững nghề nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cần làm gì?

Quảng Ninh nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung, nhất là những địa phương có điều kiện phù hợp để phát triển nhuyễn thể hai mảnh vỏ thì để hướng đến bền vững cần có quy hoạch nuôi cụ thể, chủ động được con giống tốt và kỹ thuật nuôi phải đảm bảo.

Ví dụ như Quảng Ninh, quy hoạch đã có nhưng chưa chi tiết, cụ thể, chưa đánh giá được sức tải môi trường… Đây là việc khó nhưng chỉ khi đánh giá được sức tải môi trường thì mới có căn cứ quy hoạch đối tượng, mật độ, quy mô nuôi phù hợp.

Trung ương cũng đã phê duyệt cho tỉnh Quảng Ninh dự án vùng hạ tầng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung tại Vân Đồn. Dự kiến, năm 2015 sẽ khởi công dự án. Một khi có thể chủ động được con giống, hình thành vùng sản xuất giống tập trung thì chắc chắn sẽ thu hút được các doanh nghiệp sản xuất giống. Qua đó có thể kiểm soát chất lượng giống dễ dàng hơn, hướng đến phát triển bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!      

>> Trong tương lai, Quảng Ninh hình thành trung tâm nuôi trồng thủy sản theo các đối tượng nuôi chủ lực. Tu hài tập trung tại Vân Đồn, Đầm Hà; hầu Thái Bình Dương tập trung trên vùng Vịnh Bái Tử Long – huyện Vân Đồn. Nghêu, ngao, sò, sẽ tập trung ở các địa phương có tiềm năng diện tích chương bãi lớn là Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái… Vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn), Vịnh Hạ Long và Cô Tô sẽ là “cứ điểm” cho nuôi trai lấy ngọc.

Trần Ngọc Thọ (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!