Quy định về chiều dài để được cấp phép khai thác thủy sản vùng biển khơi đã gây khó cho ngư dân nhiều tỉnh, thành, riêng Quảng Bình có đến hàng trăm tàu thuyền “không đủ chuẩn” đang cần hỗ trợ.
Lâu nay ngư dân Quảng Bình chỉ quan tâm công suất, không “chú ý” kích thước tàu khi đóng mới, cải hoán ẢNH: T.Q.N
Đến đầu tháng 7, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết địa phương vẫn chưa nhận được hồi âm của Bộ NN-PTNT về số lượng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Trước đó, ngày 10.6, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT bổ sung 558 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi.
Trong số đó, có hàng chục giấy phép xin cho các tàu cá đã được cấp văn bản chấp thuận cải hoán vỏ từ dưới 15 m lên trên 15 m trước thời điểm tỉnh nhận được Công văn số 2030/BNN-TCTS; hàng trăm tàu cá dài dưới 15 m nhưng công suất trên 90 CV đã từng được cấp phép khai thác vùng khơi trước đó, hoặc tàu có chiều dài dưới 15 m (theo hồ sơ đăng kiểm) nhưng chiều dài thực tế lại từ 15 m trở lên…
Lo công suất, “quên” kích thước?
Nhắc lại, trong tháng 2 và 3.2019, Bộ NN-PTNT đã gửi 2 văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo số lượng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên và tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cải hoán thay đổi kích thước tàu cá dưới 15 m thành tàu cá từ 15 m trở lên. Đồng thời, tạm dừng thuê, mua tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đối với tất cả các nghề từ ngày 25.3 cho đến khi Bộ NN-PTNT có quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản.
Như Thanh Niên đã phản ánh, chủ trương này khiến cả trăm tàu thuyền ở Đà Nẵng từng khai thác vùng khơi phải “quay về” vùng lộng, vì không đủ chiều dài (15m). Còn với Quảng Trị, nhiều tàu thuyền đủ chiều dài thì lại… không dám ra vùng khơi vì hạn chế về công suất (dưới 90 CV). Trong khi đó, ngư dân Quảng Bình thì “vướng” cả hai: gần 380 tàu cá đã được cấp phép lâu nay, dù chỉ dài dưới 15 m nhưng công suất trên 90 CV; gần 150 tàu khác thì dài hơn 15m nhưng chỉ được ghi nhận dưới 15m trong hồ sơ.
Qua kiến nghị của nhiều chủ tàu và được Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình xác minh, đối với những tàu thiếu “thước tấc” nhưng thừa công suất, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy quá trình giám sát kỹ thuật tàu cá đóng mới, cải hoán cho phép có sự sai khác kích thước chiều dài lớn nhất dưới 10%. Đây là lý do nhiều tàu dài dưới 15m (theo đăng kiểm) vẫn… dài hơn 15m qua đo đạc. Mặt khác, luật Thủy sản năm 2003 quy định vùng hoạt động căn cứ vào công suất tàu, nên các chủ tàu chỉ quan tâm đến công suất mà không chú ý đến kích thước, dẫn đến có sự sai lệch.
UBND tỉnh Quảng Bình nêu rõ quan điểm: Nếu các tàu này không được cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của chủ tàu. Chưa kể, tàu vùng khơi buộc phải “quay về” vùng lộng sẽ gia tăng áp lực khai thác vùng ven bờ và không thực hiện được chủ trương khuyến khích, vận động ngư dân vươn khơi góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trương Quang Nam
Theo Báo Thanh Niên