T2, 06/07/2020 09:58

Gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, ngành thủy sản nước ta dự kiến giá trị xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, tăng 20 đến 25% so năm 2011. Tuy nhiên, hết quý I, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, năm 2012 sẽ là năm rất khó khăn của ngành thủy sản khi phải đối mặt nhiều vấn đề lớn như: thiếu nguyên liệu, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xuất hiện nhiều thách thức

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 2-2012, xuất khẩu thủy sản ước đạt 400 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu hai tháng đầu năm lên 763 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2011. Song, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, những tháng đầu năm, hầu hết các thị trường chủ lực của xuất khẩu thủy sản Việt Nam lại sụt giảm khá mạnh. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang EU giảm 35%, Mỹ giảm 17,5%, Nhật Bản giảm 6,8%, Hàn Quốc giảm 4,8% và Trung Quốc giảm 5,9%. Khó khăn về thị trường đang làm cho các doanh nghiệp phải tìm cách chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường ngách và thị trường mới. Tuy nhiên, điều đáng nói là thị trường lại chưa phải vấn đề khiến doanh nghiệp căng như dây đàn trong lúc này mà điểm mấu chốt thuộc về những yếu tố phát sinh từ trong nước. Trong đó, thiếu nguyên liệu, vấn đề cốt lõi của ngành thủy sản Việt Nam từ nhiều năm nay được coi là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp. Theo báo cáo của ngành thủy sản, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chế biến chỉ hoạt động từ 50 đến 60% công suất do thiếu nguyên liệu. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) Nguyễn Công Huyên cho biết: Từ đầu năm đến nay, công ty luôn trong tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Ðể chủ động nguồn nguyên liệu, những năm gần đây, công ty tăng cường nhập khẩu 20 – 30% sản lượng từ các nước như: Ấn Ðộ, Xri Lan-ca, Thái-lan, Trung Quốc… Việc nhập khẩu có ưu thế là bảo đảm chất lượng và giúp doanh nghiệp chủ động trong khâu sản xuất nhưng mức giá nhập lại cao hơn khoảng 5% so với giá trong nước. Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng nhập khẩu được và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng đủ tiềm lực tài chính để thu mua nguyên liệu dự trữ. Vì vậy, thiếu nguyên liệu được coi là bài toán khó giải nhất hiện nay không chỉ của riêng công ty nào mà của toàn ngành thủy sản nước nhà. Tính riêng chỉ tiêu xuất khẩu cá tra năm 2012 là hai tỷ USD thì nguyên liệu doanh nghiệp cần đến là 1,3 triệu tấn. Ðây là một lượng nguyên liệu lớn, nhất là trong bối cảnh do không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng cho nên vùng ĐBSCL tiếp tục có nguy cơ tái diễn hiện tượng treo ao. Ðại diện Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ cho biết: Nhiều năm nay, doanh nghiệp luôn chủ động đến 90% nguồn nguyên liệu cho chế biến, chủ yếu là cá tra, cá ba-sa. Nhưng năm 2012 cũng đang rất lo lắng vì đơn hàng luôn có nhưng lại khó về vốn để mở rộng vùng nguyên liệu chế biến.

Không chỉ nguyên liệu và vốn, hiện nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam còn đang đứng trước nguy cơ giảm sức cạnh tranh một cách mạnh mẽ vì một số chính sách bất cập. Trong đó, nổi bật hai vấn đề lớn là, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và các loại thuế, phí xuất khẩu doanh nghiệp đang phải gánh. Phó Tổng Giám đốc Baseafood Nguyễn Công Huyên băn khoăn: Hiện nay, chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu đã tăng 1,5 đến 2 lần so với trước khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực (từ ngày 1-7-2011). Trong khi đó, quy định và thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến phần lớn các lô hàng xuất khẩu phải chờ từ 7 đến 10 ngày. Chưa kể nhiều loại giấy chứng nhận thị trường nhập khẩu không yêu cầu nhưng cơ quan quản lý trong nước vẫn yêu cầu doanh nghiệp trong nước đóng phí để chứng nhận. Ðiều đó làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ðơn cử như sản phẩm tôm của Việt Nam xuất vào thị trường Nhật Bản, hiện đang phải cạnh tranh gay gắt từng giá nhỏ với sản phẩm tôm của In-đô-nê-xi-a, Thái-lan, Ấn Ðộ… vì nhà nhập khẩu cho rằng, giá tôm của Việt Nam quá cao (do một công-ten-nơ tôm của Việt Nam xuất sang thị trường Nhật Bản phải cõng thêm 2.000 USD chi phí kiểm nghiệm). Không chỉ có thế, thuế môi trường đối với bao bì PE, PA cũng là vấn đề đối với ngành thủy sản. Ðây là loại vật liệu không thể thiếu trong chế biến, bao gói và xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, khoản phí này hiện đang chiếm khoảng 1.700 đến 1.900 đồng trong giá thành một kg sản phẩm thủy sản, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong giá thành xuất khẩu. Theo tính toán, hằng năm, mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phải chi từ 2 đến 2,5 tỷ đồng, doanh nghiệp lớn phải chi bốn đến năm tỷ đồng cho khoản thuế này. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể suy giảm từ đó. Hiện, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại về đối tượng phải chịu khoản thuế này.

 

Gỡ khó bằng cách nào?

Không thể đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản mà không quan tâm bài toán nguyên liệu. Dù các doanh nghiệp có khả năng nhập khẩu thì đó cũng không phải là biện pháp ổn định lâu dài, nhất là trong điều kiện chúng ta vẫn có thể phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến. Vấn đề vẫn là cần có sự chung tay giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong cả khai thác, nuôi trồng, mở rộng ngư trường và thu mua sản phẩm. Cách làm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) là một thí dụ điển hình. Công ty liên kết với gần 100 nhà cung cấp lớn nguyên liệu cá tra tại các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và hai nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Theo đó, doanh nghiệp hỗ trợ vốn cho người nuôi, thanh toán đúng hạn theo hợp đồng đã ký. Các cơ sở nuôi được phổ biến về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, về danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng tại Việt Nam để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Khi có rủi ro, doanh nghiệp cam kết chia sẻ cùng người nuôi. Nhờ mạng lưới liên kết này, hằng năm, doanh nghiệp có một nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng. Năm 2011, mạng lưới liên kết này đã cung cấp cho Agifish gần 60 nghìn tấn cá tra chất lượng tốt. Ðể đối phó tình trạng khan hiếm nguyên liệu, trên thực tế thì việc đẩy mạnh sản xuất hàng tinh chế cũng là giải pháp được nhiều công ty chọn lựa, trong đó có Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Công Huyên cho biết: Hiện nay, những mặt hàng tinh chế của công ty đang được tiêu thụ mạnh tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a. Theo tính toán, sản xuất hàng tinh chế có thể tiết kiệm 50% lượng nguyên liệu trong khi giá bán lại cao hơn từ 30 đến 40%.

Ngoài vấn đề nguyên liệu, để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu, nhất thiết các cơ quan chức năng phải sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách phục vụ xuất khẩu thủy sản. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết: Hiệp hội đã có những kiến nghị với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Nafiquad) về các vấn đề liên quan kiểm soát an toàn thực phẩm theo hướng không áp dụng việc lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc lô hàng làm điều kiện để cấp chứng thư xuất khẩu. Không yêu cầu các doanh nghiệp phải có chứng thư của Nhà nước khi nước nhập khẩu không yêu cầu. Cần thay đổi cách kiểm soát kháng sinh và các yếu tố rủi ro an toàn thực phẩm theo hướng kiểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay. Ông Nam khẳng định, việc kiểm soát an toàn thực phẩm là cần thiết nhưng cách tiếp cận phải hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Thực tế, EU và Mỹ là hai thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam đều không quy định kiểm tra hoặc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu. Còn theo Luật An toàn thực phẩm và thông lệ quốc tế, việc cấp chứng thư xuất khẩu không phụ thuộc vào việc lấy mẫu lô hàng kiểm nghiệm mà phụ thuộc vào hiện trạng điều kiện an toàn vệ sinh của cơ sở chế biến đó có đạt không, có thuộc danh sách đủ điều kiện để xuất khẩu hay không. Chính vì vậy, giải quyết được những thiếu sót về thuế, phí và thời gian chờ đợi chứng thư xuất khẩu, chắc chắn sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều.

Thủy sản được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng qua các năm, đạt sáu tỷ USD vào năm 2011 và dự kiến năm 2012 đạt 6,5 tỷ USD. Ðể ngành phát huy hơn nữa thế mạnh của mình, cần giải quyết nhanh chóng, hiệu quả và đồng bộ các vướng mắc đang phát sinh từ thực tiễn.

Ánh Tuyết

Theo Báo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!