(TSVN) – Chia sẻ về câu chuyện xuất khẩu tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, động lực tăng trưởng ngành tôm là coi trọng khâu tìm hiểu, thâm nhập thị trường; lắng nghe nhu cầu, xu thế người tiêu dùng để kịp thời đáp ứng, thu hút. Tuy nhiên, động lực này sẽ bị cản trở nếu giá cả không phải chăng.
“Đó là nút thắt cổ chai ngành tôm hiện nay, bởi giá thành tôm nuôi của ta còn quá cao, đội giá thế giới. Nguyên nhân giá thành tôm nuôi còn quá cao do nhiều yếu tố, như chất lượng tôm giống, môi trường, nguồn vốn,…”, ông Lực nhấn mạnh.
Theo ông Lực, để vượt qua khó khăn, các khâu chế biến, xuất khẩu phải năng động tích cực hơn bao giờ hết. Cần tăng cường nghiên cứu mặt hàng mới, thậm chí đáp ứng từng lễ hội, sự kiện. Bên cạnh đó, tìm kiếm khách hàng mới thông qua việc tự hoàn thiện mình nhằm đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối cao cấp. Thực thi giải pháp bền vững như: Lộ trình giảm phát thải; bảo đảm phúc lợi động vật; bảo đảm chỉ tiêu sử dụng vật tư tái chế. Những cam kết này phải có bên thứ ba giám sát, chứng nhận.
Để vượt qua khó khăn, các khâu chế biến, xuất khẩu phải năng động tích cực hơn bao giờ hết. Ảnh: TTM
Đồng quan điểm, bà Phùng Thị Kim Thu – Chuyên gia thị trường tôm (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam – VASEP) nhận định, để gia tăng thị phần tại các thị trường trong năm 2024, doanh nghiệp cần lưu ý đến thị hiếu tiêu dùng mới. Ví dụ như Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh, tôm hùm đá, các loại tôm biển khác, tôm hùm đông lạnh, trong khi tăng nhập khẩu tôm hùm tươi, sống, ướp lạnh. Còn tại Hàn Quốc, nhu cầu đối với thực phẩm nấu chín, chế biến và bảo quản sẵn đang tăng lên nhanh chóng.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo nên chuỗi giá trị liên kết vùng nguyên liệu để vững chắc trong cung ứng đơn hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan quản lý tạo điều kiện hạ lãi suất ngân hàng, cởi mở chính sách cho vay để tạo thêm nguồn vốn bổ sung, tăng sức chịu đựng cho doanh nghiệp.
Nhận định về những tháng cuối năm, các chuyên gia lưu ý, theo quy luật thị trường, kể từ quý III trở đi, là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá tôm nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh.
Vì vậy, người nuôi cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi phù hợp để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn.
Thái Bình