(TSVN) – Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021. Cụ thể, mục tiêu nuôi biển năm 2025 đạt diện tích 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, xuất khẩu 0,8 – 1 tỷ USD; năm 2030 diện tích 300.000 ha, sản lượng 1.450.000 tấn, xuất khẩu 1,8 – 2 tỷ USD; tầm nhìn năm 2045 xuất khẩu 4 tỷ USD; với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, quản lý hiện đại. Tuy nhiên, hiện còn rào cản cần được tập trung tháo gỡ để phát triển.
Vùng biển nước ta rộng hơn 1 triệu km², giai đoạn 2010 – 2023, sản lượng nuôi biển tăng đều qua các năm, đến năm 2023 đã đạt 569.670 tấn, xuất khẩu 552 triệu USD.
Nuôi biển theo Đề án của Chính phủ nhằm phát triển toàn diện tiềm năng. Năm 2025 diện tích 280.000 ha với thể tích lồng nuôi 10 triệu m³, sản lượng 850.000 tấn. Gồm có nuôi gần bờ 270.000 ha (ven bờ 20.000 ha, bãi triều và trong đất liền 250.000 ha), thể tích lồng 8 triệu m³, sản lượng 750.000 tấn (cá biển 60.000 tấn, tôm hùm 3.000 tấn, giáp xác 57.000 tấn, nhuyễn thể 460.000 tấn, rong tảo biển 170.000 tấn); và xa bờ 10.000 ha, thể tích lồng 2 triệu m³, sản lượng 100.000 tấn (cá biển 60.000 tấn, giáp xác 10.000 tấn, nhuyễn thể 20.000 tấn, rong tảo biển 10.000 tấn).
Cục Thủy sản cho biết, nuôi biển có 2.100 loài gồm cá, nhuyễn thể, rong biển với nhiều loài cá, tôm và bào ngư, ngao, hàu có giá trị kinh tế cao. Hiện đã có 2.060 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống, một năm sản xuất được 135 tỷ con giống; gồm 258 triệu con cá biển, 39 triệu con cua biển, 134 tỷ con nhuyễn thể. Công nghệ sản xuất giống các loài cá song, chim vây vàng, chẽm, hồng mỹ, giò và sủ đất đã hoàn thiện.
Bên cạnh, có 23 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp với 213 mã số thức ăn được cấp và đăng ký trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, sản lượng một năm 35.000 tấn. Nghiên cứu về thức ăn công nghiệp cho các loài cá, tôm giúp giảm phụ thuộc vào nguồn từ thiên nhiên và tăng cường hiệu quả nuôi trồng.
Đầu năm 2024, Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh” ở thành phố Hạ Long thu hút hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước. Quảng Ninh là địa phương ở cực Bắc nước ta với bờ biển dài 250 km và hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, đang dẫn đầu cả nước về nuôi biển.
Tại Hội nghị – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, nuôi biển ở tỉnh Quảng Ninh cũng như cả nước đang đối mặt với “một trong những khó khăn chính là đến thời điểm này, chưa địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý. Đây là rào cản lớn, khiến doanh nghiệp khó có thể đầu tư do liên quan đến giấy phép và pháp lý. Nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với khó khăn kéo dài nhiều năm”.
Ngày 29/8/2024, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp bàn việc triển khai nuôi biển. Báo cáo tại hội nghị cho biết: Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chưa được ban hành, dẫn đến diện tích cho nuôi biển bị thu hẹp. Quy hoạch tại một số địa phương chưa hoặc thiếu không gian biển dành cho nuôi trồng thủy sản. Thủ tục cấp phép và giao biển phức tạp, rườm rà, nhiều bước trùng lặp. Mức thu tiền sử dụng khu vực biển cũng còn quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và hợp tác xã.
Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định: Nuôi dưới 1 ha do huyện cấp phép giao khu vực biển; trên 1 ha trong vòng 3 hải lý và từ 3 đến 6 hải lý do cấp tỉnh; ngoài 6 hải lý do cấp bộ. Các bộ liên quan là Bộ NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT, KH&CN và cả Công an, Quốc phòng.
Ở phía Nam đất nước, tỉnh Kiên Giang có bờ biển dài hơn 200 km với 143 hòn đảo lớn nhỏ và năm 2020 đã triển khai đề án phát triển nuôi biển. Qua 4 năm, có 3.870 lồng bè, thu hoạch một năm 3.910 tấn. Tốc độ tăng bình quân hàng năm 1,65%, còn rất khiêm tốn.
Đề án nuôi biển của Kiên Giang được 5 bộ đồng ý. Quy hoạch vùng nuôi biển gồm thành phố Phú Quốc, huyện Kiên Hải, một số xã đảo của thành phố Hà Tiên và huyện Kiên Lương. Mục tiêu năm 2030, diện tích mặt nước nuôi lồng bè 16.000 ha với 14.000 lồng bè.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp được tỉnh Kiên Giang trao chủ trương đầu tư nuôi biển, tổng diện tích mặt nước đăng ký trên 2.600 ha. Diện tích không nhiều nhưng vẫn chưa giao được khu vực biển cụ thể nào. Bởi lẽ, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chưa được phê duyệt. Đó là lý do doanh nghiệp chưa thể triển khai dự án vào thực tế. Ở thành phố Phú Quốc, 5 năm nay có 500 đơn đăng ký nuôi biển (trong đó có 350 hộ gia đình) đều chưa được giải quyết.
Giữa năm 2024, Kiên Giang họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tập trung kiến nghị phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng tài nguyên vùng bờ để khơi thông giao biển. Cần thiết phân cấp cho địa phương thực hiện.
Ở tỉnh Quảng Ninh, khôi phục sản xuất sau siêu bão Yagi càng lộ rõ rào cản nuôi biển. Việc nuôi biển trong phạm vi 3 hải lý do huyện cấp phép giao biển khá thuận lợi. Còn ngoài 3 hải lý chỉ mới tạm giao. Giám đốc nhiều doanh nghiệp nuôi biển bày tỏ: “Cần giao biển chính thức để đầu tư lâu dài, gắn với trách nhiệm bảo vệ biển. Thời gian phải 30 – 50 năm chứ tạm giao 3 – 5 năm thì không thể tính toán lâu dài”.
Còn vướng mắc ở đường ranh giới giữa vùng biển 3 hải lý với 6 hải lý do Bộ TN&MT xác định. Bờ biển dài và nhiều đảo, mực nước biển lại đang thay đổi nên việc xác định đường ranh giới vô cùng phức tạp, khiến thủ tục giao biển càng khó. Do đó, một số tổ chức, hợp tác xã ở Quảng Ninh đã được huyện cho thuê mặt nước nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thực hiện được các thủ tục tiếp theo để ổn định sản xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Nguyễn Hữu Dũng thẳng thắn: “Chúng ta hay chê trách người nuôi biển làm lồng bè thô sơ, thủ công nhưng chưa đặt câu hỏi tại sao lại như thế? Vì nếu chỉ được tạm giao biển thời gian ngắn thì họ chỉ làm như vậy. Nếu giao biển 30 năm, 50 năm, họ có thể dựng cả trang trại trên biển. Nên cần phải tạo ra hành lang pháp lý phù hợp để người dân gắn chặt với vùng biển được giao, từ đó khuyến khích đầu tư công nghệ thích hợp với vùng biển để nuôi biển đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Nhiều doanh nghiệp và ngư dân kỳ vọng năm 2025, rào cản dần được tháo gỡ để phát triển công nghiệp nuôi biển, khai thác tiềm năng làm giàu đất nước.
Sáu Nghệ