T2, 13/03/2023 09:25

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Cần hành động quyết liệt, đồng bộ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Bộ NN&PTNT, việc tháo gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, bởi ngoài việc đảm bảo hiệu quả kinh tế, còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính vì thế, toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương đang rốt ráo triển khai nhiều giải pháp, để sớm hiện thực hóa mục tiêu gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC trong năm nay.

Chặng đường nước rút

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác IUU trước ngày 31/3/2023, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung triển khai kế hoạch chống khai thác IUU năm 2023. Trong đó, đơn vị chú trọng giải pháp kiểm soát phương tiện nghề cá; tập trung tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi của chủ tàu, thuyền trưởng. Theo đó, năm 2023 và thời gian trọng điểm từ nay đến ngày 31/3, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đề ra nhiều biện pháp chống khai thác IUU và ngăn chặn tình trạng tàu cá trên địa bàn tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, lực lượng nghiệp vụ sẽ tiến hành điều tra, xác lập biện pháp quản lý, kiểm tra, ngăn chặn từ sớm tàu cá có dấu hiệu sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, bảo vệ an toàn cho ngư dân trước lực lượng chức năng của các nước hoạt động ở vùng biển còn chồng lấn về tuyên bố chủ quyền. Cùng đó, phối hợp với lực lượng công an điều tra, xác minh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về khai thác bất hợp pháp. Ảnh: CSB

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian cao điểm chống khai thác bất hợp pháp, tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn tuyên truyền Luật Thủy sản và nâng cao ý thức kỷ luật khi khai thác cá ở vùng biển khơi với khoảng 600 ngư dân. Cụ thể, Chi cục Thủy sản phối hợp với các lực lượng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân. Đồng thời, Chi cục tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp. Phòng Kiểm ngư của Chi cục cũng tổ chức kiểm tra xuất, nhập cảng đối với ngư dân tham gia khai thác.

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các đơn vị liên quan ráo riết tuyên truyền trong thời điểm nước rút này. Đại diện Sở NN&PTNT địa phương chia sẻ, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố tuyến biển tuyên truyền kết hợp các biện pháp, như: thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, sổ tay pháp luật về các nội dung khai thác thủy, hải sản đúng pháp luật và không vi phạm khai thác bất hợp pháp, ngăn chặn, kêu gọi ngư dân quay về vùng biển của Việt Nam.

Ngày 20/2, Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang tổ chức gặp gỡ, đối thoại với ngư dân trên địa bàn TP Rạch Giá, tìm cách tháo gỡ khó khăn, không để tàu cá của tỉnh đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài trong thời gian tới. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh đã kêu gọi các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân từ nay tới hết tháng 5/2023 không đưa tàu đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Sau đó, tỉnh cam kết sẽ có những giải pháp mang tính đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân như: Kiến nghị Chính phủ có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ tàu chấp hành chủ trương, đồng thời xử lý nghiêm các chủ tàu cố tình vi phạm, công bố danh sách chủ tàu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cần quyết liệt hơn nữa

Ngày 13/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động chống IUU, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4. Theo Kế hoạch, có 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU ngắn hạn và lâu dài; trong đó, thời gian từ nay đến tháng 5/2023 sẽ tập trung 6 nhiệm vụ. Cụ thể, thực hiện chiến dịch thông tin truyền thông cho cộng đồng, ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định chống khai thác IUU. Rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn. Thống kê toàn bộ số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện đường dây nóng giữa Việt Nam và các nước: Indonesia, Malaysia, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về tàu cá, ngư dân hai nước.

Về lâu dài, có 8 nhiệm vụ, giải pháp tập trung việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành thủy sản. Đầu tư thỏa đáng công tác bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái biển và thực hiện chuyển đổi nghề khai thác. Nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; xây dựng cơ chế chính sách khoanh nợ, giãn nợ vay cho chủ tàu. Xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề, hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU là trách nhiệm và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023 là để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển bền vững, ổn định sinh kế bền vững của người dân, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên các vùng biển và thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên. Từ đó, nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững.

Theo đó, để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra nhiều giải pháp thực hiện từ nay đến hết tháng 5. Cụ thể, thực hiện chiến dịch thông tin truyền thông cả trong nước và trên diễn đàn quốc tế đảm bảo minh bạch, trung thực về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, theo trình tự, thủ tục rút gọn. Rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn, trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định, đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác. Tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải cập cảng chỉ định.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!