(TSVN) – Thông tin tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về chống khai thác IUU vừa qua cho thấy, địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc chống đánh bắt IUU và cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ngăn chặn này, vì lợi ích quốc gia, địa phương, ngư dân. Nếu tình trạng này kéo dài thì ảnh hưởng chung tới toàn ngành thủy sản, tác động sâu sắc đến sinh kế của tất cả ngư dân, nông dân.
Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 14 – 16 tỷ USD. Sự hiện diện và hoạt động của đông đảo ngư dân trên các vùng biển đã giải quyết việc làm, sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân và 4 triệu người liên quan. Qua đó, đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội, góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, ngành khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn tới việc EC cảnh cáo “thẻ vàng” vào năm 2017. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp để tháo gỡ, chúng ta đạt được một số kết quả, song mục tiêu lớn nhất là gỡ “thẻ vàng” chưa đạt được.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đánh dấu tàu cá đã có sự tiến bộ rõ rệt; Công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được chú trọng, đặc biệt là xử lý vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về thiết bị VMS; Công tác kiểm soát tàu cá Việt Nam ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng đã được tăng cường; trong đó đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc quy định kiểm soát 100% tàu cá từ 24 m trở lên ra, vào cảng; Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương; Bước đầu đã triển khai thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), kiểm soát thủy sản, nguồn gốc thủy sản từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, tạo chuyển biến mạnh trong hoạt động chống khai thác IUU Ảnh: Văn Phụng
Nhưng hoạt động chống khai thác IUU của Việt Nam cũng còn một số tồn tại nhất định. Chúng ta chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến. Chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết VMS, các tỉnh có tỷ lệ lắp đặt thiết bị VMS còn thấp như Quảng Trị (đạt 64,1%), Trà Vinh (đạt 67,17%), Hà Tĩnh (đạt 68,66%), Quảng Ninh (67,05%)… Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng nhiều địa phương tổ chức thực hiện chưa đảm bảo độ tin cậy, còn mang tính chất đối phó như: Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị…
Tại cuộc họp giữa Chính phủ và các địa phương bàn về giải pháp chống khai thác IUU ngày 7/9 vừa qua, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã nêu nhiều giải pháp, đề xuất theo tinh thần đề cao trách nhiệm trên lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, thực hiện các biện pháp khắc phục những hạn chế để trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm hiện nay; đến tháng 10/2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhiều địa phương cam kết với Thủ tướng về mốc thời gian chấm dứt vi phạm của tàu cá trên địa bàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, phải có biện pháp làm sao mà đạt mục tiêu EC gỡ “thẻ vàng”; dứt khoát phải thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư không để bị áp “thẻ đỏ”. Muốn vậy phía cơ sở phải nỗ lực hết mình cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng cho rằng, phải xuất phát từ xã, phường, thị trấn để nâng cao ý thức người dân. Hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ thì mới thành công. Mặc dù việc nhỏ thôi, nhưng tổ chức mà không tốt thì nhỏ cũng không xong, việc nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn. Nếu không tuyên truyền tốt, không hướng dẫn tốt, không có vận động tốt, có khi người dân chưa hiểu được việc đó ảnh hưởng đến quốc gia dân tộc thế nào, ảnh hưởng đến chính người dân thế nào thì việc chuyển biến về nhận thức và hành động còn chậm. Vì lợi ích quốc gia, phải nỗ lực tuyên truyền, không để người dân vi phạm khai thác bất hợp pháp. Việc tuyên truyền, vận động phải thực hiện theo 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giám sát, vận động nhân dân để: “Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm”. Ý thức của người dân là rất quan trọng. Do đó, Thủ tướng đề nghị xã, phường, thị trấn trực tiếp làm việc với người dân, phải tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị cần chỉ đạo, kiểm tra, làm sao nhanh chóng để EC gỡ “thẻ vàng”, nhằm thúc đẩy phát triển thủy, hải sản của Việt Nam đi đúng hướng.
Xuân Lan