(TSVN) – Ngày 24/6/2021, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 17/CT-TTg về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài.
Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan ban ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác IUU và đã được phía Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận, đánh giá cao cam kết; nhất là tại các tỉnh Nam bộ.
Hơn 3 năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tàu cá khai thác IUU. Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, đến nay tỉnh đã có 8 cảng cá được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. 8 cảng cá này gồm 6 cảng cá loại (Cảng cá Xí nghiệp Cơ khí Tàu thuyền; Cảng cá Công ty Cổ phần Dịch vụ hậu cần thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Cảng cá Cát Lở; Cảng cá Xí nghiệp Dịch vụ Hậu cần Thủy sản Hưng Thái; Cảng cá Tân Phước và Cảng cá tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Cơ sở 1, Cơ sở 2) và 2 cảng cá loại 3 là Cảng cá Côn Đảo – Vũng Tàu và cảng cá Bến Đầm.
Chi đội Kiểm ngư số 2 tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trên biển; Ảnh CTV
Việc công nhận cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác là cơ sở để thiết lập các biện pháp quản lý nghề cá, nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra về chống khai thác IUU, cũng như việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, giám sát sản lượng khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản. Từ đó, góp phần thực hiện tốt quản lý nghề cá và khắc phục “thẻ vàng” IUU trong thời gian tới.
Cùng đó, tỉnh đã yêu cầu các tàu cá thực hiện nghiêm việc lắp giám sát hành trình, đăng ký giấy khai thác thủy sản và sơn tàu theo đúng quy định của châu Âu, đặc biệt việc trước khi nhập – xuất bến phải nộp nhật ký hành trình, báo cáo sản lượng để có thể truy xuất nguồn gốc.
Theo thống kê, hiện tổng số tàu, thuyền tỉnh Sóc Trăng đang quản lý là 1.014 tàu, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi là 368 tàu. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng 24/24h tất cả các ngày trong tuần; tuyên truyền các quy định về chống khai thác IUU… Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Sóc Trăng không xảy ra tàu cá khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Đặc biệt từ năm 2017 đến nay, tỉnh luôn thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU.
5 tháng đầu năm 2021, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Tổ kiểm tra IUU phối hợp với Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề, Lực lượng Biên Phòng và địa phương tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp các văn bản pháp luật. Kết quả, đã xây dựng 2 phóng sự phát trên Đài truyền hình Sóc Trăng và Đài phát thanh của các huyện ven biển, trực tiếp tuyên truyền và cấp phát 920 tài liệu về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác hải sản IUU.
Cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng; Ảnh: LHV
Ngoài ra, trong tình hình dịch bệnh COVID-19, Tổ kiểm tra IUU đã thực nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế; đồng thời, tổ chức tuyên truyền triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản và các quy định chống khai thác IUU trực tiếp đến từng chủ tàu cá, thuyền trưởng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả việc giám sát hành trình tàu cá qua thiết bị VMS (toàn tỉnh có 323/366 tàu lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt 88% kế hoạch).
Chi cục Thủy sản và Ban quản lý Cảng cá Trần Đề thực hiện nghiêm việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Trong 5 tháng đầu năm đã thực hiện xác nhận thủy sản khai thác xuất khẩu cho 57 trường hợp với tổng khối lượng là 3.718 tấn; thực hiện cấp chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu cho 49 trường hợp với tổng khối lượng 479 tấn. Hàng ngày, thực hiện nghiêm công tác cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu VNFishbase, cập nhật đầy đủ thông tin đăng ký, đăng kiểm và thông tin giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá. Lưu trữ đầy đủ Hồ sơ (xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác, kiểm soát tàu cá ra vào cảng) đảm bảo truy xuất nhanh khi có yêu cầu. Công tác vệ sinh tại cảng cá được duy trì thường xuyên, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, an toàn thực phẩm.
Ngoài sự tăng cường nỗ lực chỉ đạo của chính quyền địa phương, những năm qua, ngư dân Sóc Trăng cũng luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai thác trên biển. Ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc BQL Cảng cá Trần Đề chia sẻ, ý thức rõ việc vi phạm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cá Việt Nam, trực tiếp là thu nhập của ngư dân nên Sóc Trăng đã, đang nỗ lực chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của EU; nhằm phát triển nghề cá một cách an toàn, bền vững, ổn định sinh kế cho hàng nghìn ngư dân sống phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Xác định giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong công tác chống khai thác IUU, thời gian qua, các đơn vị chức năng thuộc Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã phối hợp chặt chẽ với các Đồn Biên phòng, UBND các xã tiếp giáp biển tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 cùng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật; bằng rất nhiều hình thức, như: Phát tờ rơi, đối thoại trực tiếp với ngư dân, hướng dẫn ghi chép nhật ký khai thác… Tại Cảng cá Trần Đề cũng đã thành lập Văn phòng chống khai thác IUU (gọi tắt là tổ IUU). Đến nay, đã kiểm tra trên 4.000 lượt đối với tàu trên 15 m (trên 90CV) cập cảng và rời cảng, đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa tàu trong tỉnh và ngoài tỉnh. Ông Hứa chia sẻ thêm, để thực hiện hiệu quả, đơn vị sẽ đối chiếu với danh sách tàu chống khai thác bất hợp pháp, nếu đủ điều kiện sẽ bố trí tàu để vào cảng neo đậu và lên xuống hàng hóa. Bên cạnh đó, bố trí cán bộ để theo dõi, giám sát việc hàng hóa tại cảng cá này của các chủ tàu. Sau khi lên hàng hóa xong, đơn vị sẽ thu nhật ký khai thác và làm các thủ tục để xác nhận nguồn gốc thủy sản cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Hồng Hạnh