(TSVN) – Ngày 20/2/2023, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị công bố kế hoạch hành động chống khai thác hải sản IUU, với mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong năm 2023 theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Để hiểu thêm, xin giới thiệu một số nội dung trong bài “Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU): Thực trạng, thách thức và những hàm ý thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong ASEAN” của Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng là Giám đốc Viện Luật So sánh và bà Nguyễn Thị Hồng Yến là Giảng viên chính Khoa Luật Quốc tế (Đại học Luật Hà Nội).
Quy định (Illegal, Unreported and Unregulated fishing – viết tắt là IUU) làm giảm sút trực tiếp giá trị đánh bắt mà quốc gia ven biển có thể thực hiện. Các nguồn số liệu của EU ước tính hoạt động IUU chiếm tới 19% tổng sản lượng cá đánh bắt trên thế giới hàng năm, tương đương 10 tỷ Euro; ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và làm mất cân bằng hệ sinh thái, phá huỷ các hệ sinh thái biển và các loài dễ bị tổn thương. Nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ IUU, các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới đã có những hành động tích cực nhằm thiết lập khung pháp luật quốc tế để phòng, chống IUU với mục tiêu ngăn chặn, loại bỏ, thậm chí là hướng đến việc xóa bỏ hoàn toàn hành vì này trên thực tế.
Với hơn 600 triệu dân, ASEAN là một trong những khu vực quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thủy sản. Các vùng biển ở đây không chỉ là nguồn thực phẩm và sinh kế chính cho hàng trăm triệu người, mà còn tạo ra hàng tỷ USD cho khu vực. Theo thống kê từ năm 2016, nghề cá ASEAN đã đóng góp khoảng 1/4 tổng sản lượng đánh bắt cá của thế giới. Bốn quốc gia dẫn đầu trong đánh bắt và sản xuất sản phẩm thủy sản là Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, việc đánh bắt cá quá mức, đặc biệt là IUU đã và đang trực tiếp đe dọa tới các quốc gia ASEAN. Những nước này đều ghi nhận các trường hợp IUU, trong đó, “điểm nóng” được ghi nhận ở Vịnh Thái Lan, vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và Malaysia.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động IUU đã gây tổn thất lớn về kinh tế cho các quốc gia ASEAN, ước tính khoảng 6 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó Indonesia chịu thiệt hại lớn nhất, khoảng 3 tỷ USD mỗi năm, sau đó là Việt Nam, khoảng 1,6 tỷ USD mỗi năm.
Một số quốc gia trong khu vực ASEAN đã từng hoặc đang bị EU áp dụng quy trình đánh thẻ thương mại đối với các nguồn thuỷ sản bị coi là đánh bắt không rõ nguồn gốc như Thái Lan, Campuchia, Philippines, Việt Nam. Trong khi đó một số quốc gia khác như Indonesia lại đứng trước nguy cơ tổn hại nghiêm trọng về tài nguyên khi có quá nhiều tàu cá đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
ASEAN, tiểu khu vực đông dân cư nhất trong châu lục với hầu hết các quốc gia ven biển, cần làm gì để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong việc khai thác và bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật, hướng đến sự phát triển bền vững, ổn định và hoà bình trong khu vực?
Nhóm các biện pháp liên quan tới thực thi các văn kiện quốc tế và khu vực: Khuyến khích các nước thành viên phê chuẩn, gia nhập và/hoặc chấp thuận và tuân thủ đầy đủ các văn kiện quốc tế liên quan (UNCLOS, UNFSA…).
Nhóm các biện pháp liên quan tới quốc gia treo cờ, quốc gia có cảng biển và quốc gia ven biển. Đối với quốc gia treo cờ: Cần tích cực hợp tác để đảm bảo rằng các tàu đánh cá mang cờ của quốc gia mình không làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp quản lý và bảo tồn như tham gia hoặc hỗ trợ đánh bắt cá bất hợp pháp. Đối với quốc gia có cảng biển: Đóng vai trò là chủ thể chủ chốt trong phòng, chống IUU.
Đối với quốc gia ven biển: Tập hợp, quản lý và cung cấp các thông tin một cách chính xác và kịp thời thông qua cải thiện hệ thống tập hợp dữ liệu, chia sẻ thông tin về tàu thuyền, mức độ đánh bắt, mua bán cá và các sản phẩm từ cá (khi cần thiết); phát triển cách tiếp cận khu vực để nhận diện, tập hợp và trao đổi thông tin về tàu thuyền đã được sử dụng hoặc có ý định sử dụng với mục đích đánh bắt cá.
Nhóm các biện pháp liên quan tới thị trường khu vực: Nhằm giảm hoạt động đánh bắt cá không hợp pháp, không báo cáo các quốc gia cần hợp tác trong việc thực hiện các biện pháp liên quan đến thị trường khu vực để xác định và theo dõi việc đánh bắt cá tại tất cả các điểm trong chuỗi cung ứng thị trường sao cho phù hợp với các quy định của luật thương mại quốc tế hiện hành.
Nhóm các biện pháp liên quan tới xây dựng năng lực khu vực: Tiếp tục phát triển năng lực cốt lõi phù hợp về nghiên cứu, quản lý và tuân thủ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống giám sát, kiểm soát và điều phối (gọi tắt là hệ thống MCS); tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật từ các cơ quan phát triển quốc tế liên quan cũng như các quốc gia khác trong khu vực.
Nhóm các biện pháp liên quan tới tăng cường hệ thống MCS: Thông qua các thỏa thuận khu vực về hệ thống MCS nhằm thúc đẩy xoá bỏ IUU trong khu vực; phát triển mạng lưới MCS khu vực nhằm chia sẻ thông tin và điều phối các hoạt động khu vực nhằm hỗ trợ thúc đẩy thực tiễn đánh bắt cá có trách nhiệm.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong phòng, chống IUU, các quốc gia ASEAN vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và IUU vẫn tiếp tục là mối đe dọa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường trong khu vực.
Một trong những thách thức lớn đối với tiến trình hợp tác phòng chống hiệu quả IUU là sự tồn tại các yêu sách phi lý và việc chưa đạt được thỏa thuận trong xác định phạm vi các vùng biển và quyền đánh cá ở khu vực Biển Đông. Hàng năm, Trung Quốc đơn phương đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá, bắt đầu từ ngày 1/5 và kéo dài trong 3 tháng. Khu vực cấm đánh bắt cá nằm ở vùng biển phía Bắc vĩ độ 16 ở biển Đông, gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hiện nay, mỗi quốc gia ASEAN áp dụng chính sách riêng trong phòng, chống IUU. Một số quốc gia như Malaysia tiếp tục áp dụng các biện pháp cứng rắn, đánh chìm tàu cá nước ngoài thực hiện IUU trong vùng biển chủ quyền; Indonesia có những biện pháp mạnh mẽ tương tự và hình sự hóa các hành vi IUU. Campuchia phòng, chống IUU chưa hiệu quả và bị EU áp dụng “thẻ đỏ”. Việt Nam nỗ lực phòng, chống IUU để gỡ “thẻ vàng” của EU.
Việc thực hiện chính sách riêng lẻ của mỗi nước, thiếu sự hợp tác đồng bộ, đặc biệt với các nước có tranh chấp về quản lý tài nguyên cá biển, có thể tạo ra nhiều thách thức trong tương lai. ASEAN cần một khuôn khổ pháp lý mang ràng buộc và khuôn khổ hợp tác khu vực hiệu quả.
Hiện nay, khủng hoảng nghề cá đã trở thành vấn nạn và báo động trên toàn cầu. Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Biển Đông được đánh giá là một trong những vùng đánh cá quan trọng, có khả năng tạo nguồn lợi kinh tế cho hàng triệu người. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt cá quá mức, kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu, khiến cho Biển Đông đứng trước nguy cơ cạn kiệt nếu không có những biện pháp ứng phó thích đáng và kịp thời. Cùng với đó, hoạt động IUU thúc đẩy nhanh nguy cơ suy kiệt nguồn cá, thậm chí có thể dẫn tới khả năng sụp đổ hệ sinh thái khu vực.
Khủng hoảng nghề cá ở Biển Đông đã ở mức đáng báo động; do đó, các quốc gia ASEAN cần sự chung tay, quyết tâm cao trong thúc đẩy hợp tác khu vực để vượt qua khủng hoảng. Mô hình quản lý nghề cá độc quyền của quốc gia là không đủ, mà cần sự tham gia tích cực của các tổ chức và khuôn khổ quốc tế, khu vực trong việc kiểm soát, kiểm tra, giám sát và quản lý tài nguyên cá, hướng tới sử dụng bền vững.
Sáu Nghệ
(Giới thiệu)