T5, 23/07/2020 05:34

4 chiến lược cho ngành thức ăn thủy sản

Ngành thức ăn thủy sản nên cân nhắc các chiến lược mới có khả năng tác động sâu rộng và mạnh mẽ hơn tới hiệu quả hoạt động tài chính. Sau nhiều năm tăng trưởng, ngành này cũng đang giảm tốc và đối mặt khủng hoảng thừa ngày một gia tăng tại các thị trường chủ chốt. Cạnh tranh khốc liệt, lợi nhuận đi xuống và tăng trưởng ngành NTTS lại chậm hơn so trước đây cũng đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển của ngành thức ăn thủy sản.

Trong những năm gần đây, chiến lược chính được các hãng thức ăn thủy sản triển khai là mảng thức ăn chức năng. Họ đều coi đây là cách đảo ngược tiêu chuẩn hóa sản phẩm thức ăn thủy sản. Ví dụ, trong ngành cá hồi, thức ăn chức năng tăng đề kháng bệnh rận biển. Trong ngành tôm, thức ăn chức năng lại thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng mặc dù tới nay vẫn chưa có một định nghĩa chính xác và được công nhận rộng rãi về thức ăn chức năng. Với nông dân, hiệu quả bổ sung của các loại thức ăn chức năng là gì cũng chưa rõ ràng; do đó, nhiều người từ chối chi thêm tiền để mua thức ăn chức năng, nên chiến lược này của ngành thức ăn thủy sản chưa thành công toàn diện.

Có 4 hướng chiến lược khác mà các công ty thức ăn thủy sản có thể cân nhắc lựa chọn. Đầu tiên là cải tiến công nghệ; sự kết hợp thức ăn, dữ liệu và công nghệ nuôi thủy sản có thể là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng và cải tiến hiệu quả cho ngành. Lĩnh vực thứ hai mà các nhà cung cấp thức ăn nên chú trọng là áp dụng các chiến lược “đa nền tảng” kết hợp sức khỏe vật nuôi với dinh dưỡng để đánh bại dịch bệnh và ký sinh trùng trong NTTS. Sự kết hợp thức ăn với một hoặc hai nguồn đầu vào khác có thể trở thành cách thức hiệu quả và quyền năng trong việc gia tăng giá trị cho nông dân và tăng lợi nhuận cho các hãng cung cấp đầu vào. 

Lĩnh vực tiềm năng thứ ba là đầu tư vào nguyên liệu thức ăn mới. Điển hình như công nghệ lên men tảo, sản xuất dầu tảo thay thế dầu cá trong thức ăn cá hồi; hoặc protein vi khuẩn, vi khuẩn nuôi trên nhiều chất nền như khí methane để tạo ra các loại protein chất lượng cao, thay thế bột cá, đậu tương trong thức ăn thủy sản. Các loại protein và dầu mới cũng được sản xuất từ chất thải thực phẩm và đồ uống. Các nguồn chất thải này đều có thể được tận dụng làm thức ăn nuôi côn trùng, như ấu trùng ruồi lính đen để chế biến thành protein thức ăn có giá trị trong thức ăn thủy sản. 

Kết hợp thức ăn với hàng loạt những đầu vào bổ sung như di truyền học, sản phẩm sức khỏe động vật, giải pháp phân tích dữ liệu, phần cứng, phần mềm quản lý trại nuôi có thể tạo ra các tác dụng hiệp đồng mạnh mẽ hơn. Đã có một số thành phần thức ăn mới thay thế kháng sinh như thực khuẩn. Nhưng chỉ một vài đầu tư trực tiếp hiếm hoi được thực hiện bởi các hãng thức ăn thủy sản, nổi bật nhất số này là Cargill.

Định hướng thứ tư cho các công ty thức ăn đó là phải tiến sát vào “biên giới” ngành NTTS; cụ thể, hợp tác để phát triển công nghệ nuôi mới như RAS, nuôi biển với nhiều đối tượng mới. Cũng tại đây, các công ty thức ăn thủy sản đóng vai trò quan trọng như một nhà đầu tư và đối tác công nghệ, mở ra nhiều con đường mới cho tăng trưởng trong ngành NTTS. 

Những công ty thức ăn thủy sản cần định vị tốt để hoạt động như một nhà đầu tư công nghệ nuôi, từ thành phần thức ăn mới đến kỹ thuật nuôi mới, từ đất liền ra ngoài khơi. Bằng cách chuyển đổi một phần sang cung cấp công nghệ thủy sản hoặc sang đầu tư, các hãng thức ăn mới có thể đạt tăng trưởng tốt hơn, thu lợi nhuận nhiều hơn và góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành NTTS.

Chuyên gia phân tích thủy sản tại Rabobank 

Gorjan Nikolik

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!