(TSVN) – Nửa cuối năm 2023 có thể là giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu kể từ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Đối với ngành tôm, giai đoạn này cũng là chặng đường nhiều chông gai nhất kể từ khi dịch EMS bùng phát vào năm 2011.
Trong nửa còn lại của năm 2023, giá tôm vẫn được dự báo tiếp tục duy trì mức thấp, cùng đó nguồn cung bột cá suy giảm do hiện tượng El Nino tại Peru khiến biên độ lợi nhuận cực kỳ eo hẹp trên toàn chuỗi cung ứng thủy sản. Trong đó, người nuôi tôm có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Lạm phát và suy thoái kinh tế làm nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ và châu Âu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ tôm tại Trung Quốc hậu COVID-19 đã không phục hồi như kỳ vọng khiến các nhà nhập khẩu tôm bị mắc kẹt với tồn kho tăng mạnh. Tiêu thụ tôm tại Trung Quốc còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa do cầu tiêu dùng vẫn đang có dấu hiệu đi xuống, cùng đó sản lượng tôm của Ecuador vẫn tiếp tục tăng kéo theo tình trạng cung vượt cầu. Ngành tôm châu Á có nguy cơ đối mặt giai đoạn khó khăn nhất kể từ đợt bùng phát dịch bệnh EMS năm 2011. Hầu hết người nuôi tôm tại các nước châu Á đều than lỗ. Với họ, đây là năm tồi tệ nhất kể từ sau COVID-19, bởi nền kinh tế chìm trong lạm phát.
Điều đáng lo ngại, các hãng bán lẻ phản ứng chậm chạp trước tình trạng cầu suy yếu khi giá các mặt hàng này vẫn không thay đổi khiến nhu cầu ở châu Âu và Bắc Mỹ khó phục hồi. Kết quả, nhiều hãng nuôi tôm ở châu Á giảm mạnh đầu tư vào tôm bố mẹ và tôm post. Indonesia, nhắm đến thị trường Mỹ, đã cắt giảm 20% sản lượng trong nửa đầu năm. Việt Nam, tập trung xuất khẩu tôm sang châu Âu và Mỹ, giảm 20 – 30% sản lượng; Ấn Độ giảm 40% nhập khẩu tôm bố mẹ, đồng nghĩa sản lượng tôm của nước này sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023.
Sản lượng tôm Ecuador trong nửa đầu năm 2023 tăng 19% so cùng kỳ cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá tôm toàn cầu mãi không thể đi lên. Ecuador là yếu tố dẫn đến dư thừa nguồn cung tôm trên thế giới và người nuôi tôm tại đây không rơi vào tình trạng sụt giảm trong nửa đầu năm do 70% nguồn cung được chuyển tới thị trường Trung Quốc. Dù Chính phủ đã tìm cách giảm tốc độ tăng trưởng ngành tôm từ 25% xuống còn 12%, Ecuador vẫn đang đi lên so với các quốc gia khác. Một “kịch bản ác mộng” dành cho người nuôi tôm châu Á sẽ xảy ra nếu như Ecuador chuyển mục tiêu tấn công sang thị trường Mỹ và châu Âu, thay vì phụ thuộc vào Mỹ.
Dù vậy, thị trường tôm toàn cầu sẽ dần sáng lên nhưng phải chờ đến năm 2024. Đó là thời điểm các nhà sản xuất tôm ở Ecuador chứng kiến giá sụt giảm và nhận ra rằng họ không thể “bơm” thêm nguồn cung tôm ra thị trường toàn cầu. Nếu các hãng bán lẻ giảm giá, còn Ecuador và Ấn Độ sản xuất ít tôm hơn, thị trường toàn cầu mới có nhiều hy vọng cân bằng trở lại.
Gorjan Nikolik
Chuyên gia thị trường thủy sản, Rabobank