(TSVN) – Con giống là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững ngành thủy sản. Ở nước ta, mục tiêu an ninh giống thủy sản đang được đặt ra sau thời gian phát triển vượt bậc để hướng tới sự ổn định hơn.
Số liệu của Cục Thủy sản, hiện cả nước có 8.112 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và đã cung ứng 322 tỷ con giống trong năm 2023. Riêng với hai sản phẩm chủ lực, các cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ đã cung ứng 150 tỷ con giống; các cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống cá tra đã cung ứng 3,9 tỷ con giống. Nhiều giống được sinh sản nhân tạo. Tính từ năm 1999, ngành thủy sản nước ta đạt bước tiến dài trong lĩnh vực chọn tạo giống, cải thiện đáng kể chất lượng và giá trị, đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, Cục Thủy sản đánh giá, các cơ sở ương dưỡng giống cũng còn nhiều hạn chế. Về tôm nước lợ, hạn chế thấy rõ là chưa chủ động được nguồn giống, còn phụ thuộc tự nhiên và nhập khẩu, khó kiểm soát chất lượng. Cá tra chưa hoàn toàn đáp ứng quy định về an toàn sinh học trại giống nên mới có 46% cơ sở sản xuất cá bột và 5% cơ sở ương dưỡng giống được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện; số cơ sở được kiểm tra duy trì điều kiện còn thấp hơn nữa. Thách thức lớn là các trại giống có thể trở thành nguồn bệnh và khả năng chống chịu dịch bệnh sẽ không được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác do khả năng di truyền kém.
Khắc phục các hạn chế trên chính là những mục tiêu hàng đầu của công tác đảm bảo an ninh giống thủy sản để chủ động sản xuất đủ giống cho kế hoạch sản xuất theo mùa vụ, đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện ngành thủy sản quy hoạch xây dựng các trung tâm sản xuất giống tôm nước lợ chất lượng cao ở Kiên Giang, Bạc Liêu; trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang. Bên cạnh, nhiều cơ sở sản xuất giống thủy sản khác.
Giống chất lượng cao là nguồn giống từ nền tảng gia hoá, sạch bệnh, kháng bệnh, tăng trưởng nhanh; có hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học, đáp ứng thực tiễn sản xuất. Gồm giống tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm, cá nước lạnh, một số loài cá biển và cả rong biển. Chú trọng nghiên cứu, làm chủ quy trình sản xuất giống các đối tượng tiềm năng. Nhà nước có chính sách thu hút thêm tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghệ di truyền giống để phát triển cùng với thế giới.
Về sự phát triển công nghệ sản xuất giống thủy sản trên thế giới, có thể kể đến công nghệ chỉnh sửa gen cho tôm đang được nghiên cứu ở Israel để tham khảo. Đó là, từ tháng 11/2023, ở Ixrael, một số công ty nuôi thủy sản đã hợp tác với viện nghiên cứu và trường đại học thực hiện kỹ thuật chỉnh sửa gen cho tôm nuôi. Trọng tâm nghiên cứu gồm tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và tôm hùm đất, nhằm tới mục tiêu tăng trưởng, kháng bệnh và thích ứng môi trường. Những nghiên cứu này kỳ vọng tạo ra một cuộc cách mạng cho ngành nuôi tôm, sẽ nâng cao sức cạnh tranh với công nghệ chính xác.
Đó cũng là một vấn đề quan tâm của mục tiêu an ninh giống thủy sản ở nước ta.
Sáu Nghệ