T5, 23/07/2020 05:34

Áp lực và cơ hội cho ngành thủy sản

Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và một thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu. Việt Nam và châu Âu là hai thị trường tương hỗ. Mỗi bên sẽ sản xuất và bán hàng hóa mà bên kia không sản xuất tại thị trường nội địa của mình. Thủy, hải sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực vủa Việt Nam tại châu Âu.

Mặc dù chỉ là một sự khởi đầu mới, nhưng không phủ nhận EVFTA mới thông qua ngày 12/2/2020 sẽ hỗ trợ cả hai bên, đồng thời mang lại lợi ích thương mại cho châu Âu và châu Á. Hiệp định này được ví như một cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác. EVFTA là thỏa thuận toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển tại châu Á, cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng theo một lộ trình kéo dài trong 10 năm. Thủy sản là một trong 3 ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ EVTFA, đặc biệt là mặt hàng cá tra và tôm. EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị xuất khẩu trong năm 2018 đạt 1,44 tỷ USD. Khoảng 90% số dòng thuế đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ giảm xuống 0% trong vòng 3 – 4 năm từ thuế xuất khẩu trung bình hiện nay là 14%.

Những năm gần đây, xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường châu Âu không “tươi sáng” như nhiều năm về trước do các định kiến tiêu cực từ phía cộng đồng người tiêu dùng tại các nước phương Tây, chủ yếu gây ra bởi các chiến dịch bôi nhọ, nói xấu cá tra từ các tổ chức phi chính phủ tại châu Âu và giới truyền thông nước ngoài. Mọi sự chỉ trích cá tra, basa Việt Nam đều nhằm vào sự thiếu bền vững của ngành cá tra. Do đó, với riêng ngành cá tra, EVTFA giúp lấy lại được vị thế, tầm quan trọng tại thị trường châu Âu thông qua hình thức tăng sức cạnh tranh cho những sản phẩm cá tra đông lạnh. Nhìn chung, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ, như Ấn Độ và Thái Lan, những quốc gia chưa có hiệp định thương mại tự do với các đối tác châu Âu.

Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 203 triệu USD sản phẩm cá tra, basa sang châu Âu, trên 90% trong số này là cá tra sống/tươi/khô và đông lạnh (code HS03). Còn lại là cá tra chế biến giá trị gia tăng (HS 16), theo VASEP. Thuế với cá tra, basa tại châu Âu dao động 5,5% với mã HS03 và 7% với mã HS16. Do đó, EVFTA đã mở cánh cửa cho nhiều mặt hàng thủy, hải sản của Việt Nam thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường EU. Tuy nhiên, thuế giảm nhưng các rào cản kỹ thuật và tiêu chuẩn vẫn sẽ tiếp tục được tăng lên. Điển hình, EU yêu cầu quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan và tăng các yêu cầu về môi trường liên quan tới đánh bắt hải sản, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, vấn đề liên quan đến phát triển bền vững trong FTA thế hệ mới như EVFTA. Những yêu cầu này đều không dễ đáp ứng. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung, tôm và cá tra nói riêng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu; nỗ lực tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn dù ngành chế biến thủy sản trong nước phải chịu sức ép lớn hơn.

Bernd Lange

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!