(TSVN) – Trong chuỗi sự kiện Ngày hội Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu, ngày 28/11/2022, có 60 đầu bếp chuyên nghiệp của 12 đội ở Bạc Liêu và TP Hồ Chí Minh giới thiệu 122 món ăn từ tôm – muối. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings công nhận tỉnh Bạc Liêu là nơi chế biến, trình diễn các món ăn từ tôm – muối nhiều nhất nước ta.
Hiện nay, Bạc Liêu đã là một trong 6 tỉnh trọng điểm nuôi tôm của cả nước và thứ 2 về sản lượng, nổi bật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đóng vai trò quan trọng trong nhiều khâu của chuỗi giá trị tôm ĐBSCL. Còn muối Bạc Liêu đã có trăm năm, diện tích sản xuất lớn, sản lượng mỗi năm hơn 15.000 tấn.
Việc chế biến tôm thành sản phẩm cao cấp để tăng giá trị là mục tiêu lâu dài của ngành tôm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2022, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tăng mạnh chính nhờ tôm sú chế biến. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, có 118 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản, với các sản phẩm chính như tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù, TTCT PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh…. Nhật Bản đã trở thành thị trường lớn thứ 2 của con tôm Việt Nam.
Bạc Liêu hiện nuôi tôm hơn 136.000 ha, chiếm gần nửa diện tích đất tự nhiên. Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư. Toàn tỉnh có 23 công ty, đơn vị và 650 hộ dân đang nuôi TTCT siêu thâm canh công nghệ cao.
Phát triển mạnh ngành tôm, không thể không nhắc đến chủ trương bảo vệ môi trường của tỉnh Bạc Liêu, đáng chú ý nhất là việc đề nghị hủy bỏ quy hoạch một dự án trung tâm nhiệt điện than để ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Cuối năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, đến nay tỉnh thu hút được dự án Điện khí LNG 3.200 MW, có 8 dự án điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động, với công suất gần 470 MW, đứng thứ 3 cả nước. Các dự án là động lực chính cho tăng trưởng GRDP của Bạc Liêu và tỉnh đang hướng đến mục tiêu năm 2030 trở thành một trung tâm năng lượng sạch của quốc gia với trọng tâm điện gió, điện mặt trời và điện khí.
Trong chuỗi sự kiện Ngày hội Văn hóa – Du lịch tỉnh Bạc Liêu từ ngày 24 – 30/11/2022, có nhiều doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến tôm tham dự. Tập đoàn Việt Úc tham gia nhiều hoạt động để lan tỏa thông điệp “Vì một ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững”, có gian hàng trưng bày tôm bố mẹ, tôm giống và mô hình Nuôi tôm VUS bền vững. Sáng ngày 28/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã cùng nhiều đại biểu tham dự tới thăm gian hàng của Tập đoàn Việt Úc, xem trình diễn cấy chip điện tử vào tôm bố mẹ và nghe giới thiệu chiến lược khép kín chuỗi giá trị ngành tôm. Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bạc Liêu và Tập đoàn Việt Úc cho ngành tôm Việt Nam, đang phát triển vươn lên tầm thế giới.
Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc Trần Quốc Tuấn cho biết, Tập đoàn đã đặt 4/18 cơ sở quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất tại Bạc Liêu. Hiện đang đầu tư nhà máy chế biến tôm xuất khẩu và khi nhà máy hoạt động, Việt Úc sẽ khép kín được chuỗi sản xuất từ nghiên cứu giống, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm tại Bạc Liêu.
Bạc Liêu đã phát triển nghề nuôi tôm biển trên 40 năm từ quảng canh, thâm canh và nay siêu thâm canh. Đó là chặng đường sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, cho sản lượng gấp 1.000 lần nuôi truyền thống, từ 200 kg/ha/năm đến nay nuôi siêu thâm canh cho sản lượng 200 tấn/ha/ năm.
ThS. Long Văn Nghĩa ở Công ty Long Mạnh lý giải, khoa học và công nghệ đã giúp người nuôi tôm giảm rủi ro và dự đoán được các mối nguy trong sản xuất, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ thành công. Để phát triển hơn nữa, theo ông Nghĩa, cần tăng cường nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải; cải tiến công nghệ giám sát, quan trắc môi trường nước ao nuôi với độ chính xác cao hơn; phát triển công nghệ mới thay thế công nghệ (thiết bị) lạc hậu nhằm giảm chi phí và hạn chế rủi ro. Ông nhấn mạnh đến việc “tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương mang lại giá trị gia tăng cao”. Để đạt được, cần đẩy mạnh phát triển công nghệ giúp người sản xuất tham gia chế biến và bảo quản sản phẩm, không ngừng nâng cao giá trị con tôm.
Sáu Nghệ