T2, 01/07/2024 10:55

Bài toán đào tạo nguồn nhân lực tại ĐBSCL

(TSVN) – Theo kết quả khảo sát của Trường Đại học Cần Thơ năm 2022, nguồn nhân lực thủy sản đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp ước tính khoảng 27% và trong các doanh nghiệp là 73%.

Tổng số doanh nghiệp liên quan đến hoạt động thủy sản bao gồm sản xuất giống; kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất; chế biến thủy sản ở ĐBSCL là khoảng trên 2.200. Như vậy, nguồn nhân lực cần cho hoạt động của các doanh nghiệp là rất lớn. Nếu chỉ tính nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp chỉ cần tuyển dụng 5 nhân viên có trình độ đại học/năm thì phải cần đến 11.000 sinh viên tốt nghiệp/năm, một con số rất lớn!

Hiện nay, đa số giới trẻ có xu hướng chọn các ngành nghề ngoài khối ngành nông nghiệp với mong muốn sau khi tốt nghiệp có được công việc ở khu đô thị, làm việc trong văn phòng hoặc dễ kiếm được nhiều tiền. Đây là một trong những thách thức lớn cho việc đào tạo nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản hiện nay.

Trước thực tế này, một trong những giải pháp đó là cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ bao gồm công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nhất là công nghệ tự động hóa, số hóa sẽ làm cho ngành thủy sản trở nên hấp dẫn hơn, sẽ thu hút người học nhiều hơn và nhất là có thể giảm được số lượng lao động trên đơn vị diện tích sản xuất hay doanh nghiệp khi không thể đáp ứng nguồn nhân lực đầy đủ về mặt số lượng.

Đối với cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, cần đổi mới phương pháp giảng dạy, cải tiến chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của ngành; chú trọng hơn nữa việc đào tạo kỹ năng để người học có thể đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề, của doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Một trong những điều cốt lõi giúp nâng cao chất lượng đào tạo là tăng cường kết nối với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng lao động trong đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học. Sự phản hồi của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng lao động về chất lượng sinh viên tốt nghiệp, những đề xuất về kiến thức, kỹ năng, thái độ cần có đối với sinh viên tốt nghiệp để có thể đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp sẽ là cơ sở và nền tảng cho việc xây dựng hay cải tiến chương trình đào tạo trong xu hướng mới.

Các doanh nghiệp cũng cần tích cực đồng hành cùng với nhà trường trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực như tạo điều kiện hơn nữa cho sinh viên được thực tập, thực hành, trải nghiệm tại doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí trong việc mở rộng, phát triển cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập, vui chơi, giải trí cho sinh viên; hỗ trợ kinh phí cho việc tăng cường công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dạy và học và giải quyết các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có những hỗ trợ về thể chế, chính sách và kinh phí để giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo trong xu hướng đổi mới hiện nay.

Tóm lại, việc phối hợp đồng bộ giữa các viện, trường, doanh nghiệp và bộ, ngành là rất cần thiết để có những giải pháp cho việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng, lẫn chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu phát triển thủy sản ở ĐBSCL trong thời gian sắp tới.

GS.TS Vũ Ngọc Út
Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!