T6, 09/09/2022 09:52

Bảo vệ môi trường trong thủy sản

(TSVN) – Ngày 29/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030. Nêu từ năm 2021 bởi có việc quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản đã thực hiện từ năm 2021, còn các nội dung khác chủ yếu tiến hành từ năm 2022 và 2023.

Mục tiêu của Đề án đáp ứng mong đợi của xã hội, nhất là ngành thủy sản. “Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản”.

Cụ thể đến năm 2030: Nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong NTTS. Tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản. Cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thủy sản được xây dựng và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, quốc gia. Bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô…), góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.

Đặc biệt trong đó: “100% cán bộ, công chức, viên chức ngành thủy sản; 80% doanh nghiệp thủy sản; từ 30 – 50% ngư dân, hộ NTTS được tập huấn/phổ biến pháp luật, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường ngành thủy sản”.

Đề án đặt ra 6 nhiệm vụ và 6 giải pháp lớn. Các dự án và nhiệm vụ ưu tiên triển khai ngay trong năm 2022: “Truyền thông, nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất, xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động thủy sản thân thiện với môi trường thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Điều tra, đánh giá, kiểm kê nguồn vốn tự nhiên thủy sản (giá trị vật thể, giá trị phi vật thể…); đánh giá nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ các hoạt động thủy sản và đề xuất giải pháp quản lý. Tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường. Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản”.

Những dự án và nhiệm vụ ưu tiên từ năm 2023: “Điều tra, đánh giá thực trạng công nghệ, áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải trong NTTS, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản và đề xuất các giải pháp công nghệ xử lý chất thải trong hoạt động thủy sản. Nghiên cứu và từng bước đầu tư xây dựng mô hình quản lý chất thải tiên tiến trong các hoạt động thủy sản. Xây dựng, cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu môi trường ngành thủy sản”.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án đến năm 2030 là 2.320 tỷ đồng, trong đó, ngân sách 2.060 tỷ, xã hội hóa 260 tỷ. Chủ trì thực hiện Đề án là Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND các địa phương. Phối hợp thực hiện là các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, hội, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp.

Kỳ vọng Đề án thực hiện thành công sẽ có “môi trường là điều kiện, nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững” như Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị.

Nhà báo Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!