(TSVN) – Ngành khai thác hải sản mang lại nguồn dinh dưỡng chính cho toàn thế giới, gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của các cộng đồng ven biển; đồng thời củng cố nền kinh tế cho địa phương. Đây chính là lý do chúng ta cần phải xây dựng được những kế hoạch hiệu quả để giải quyết vấn đề axit hóa đại dương, cũng như bảo vệ được nguồn lợi hải sản cho các thế hệ tương lai.
Axit hóa đại dương sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong vài thập kỷ tới, đe dọa các hệ sinh thái biển. Tại Mỹ, các hệ sinh thái này mang lại trị giá lên đến 5,63 tỷ USD cho ngành công nghiệp thủy sản. Ngư dân tại Alaska đã từng chứng kiến biến đổi khí hậu gây ra nhiều thảm họa tàn khốc như thế nào tới ngành khai thác cá tuyết Thái Bình Dương vịnh Alaska, cá hồi sông Yukon và cua tuyết biển Berring. Hàng nghìn lao động, cộng đồng nông nghiệp trên toàn bang Alaska và nguồn lợi tài nguyên bền vững cung cấp 2/3 lượng hải sản cho người Mỹ đang bị đe dọa. Các nhà khoa học cũng dự đoán 90% rạn san hô trên toàn cầu sẽ biến mất trong 20 năm tới do axit hóa đại dương và ô nhiễm.
Chúng ta cần các chính sách dựa vào thị trường để đánh thẳng vào trọng tâm của các vấn đề biến đổi khí hậu và axit hóa đại dương. Chính sách này phải đảm bảo sự công bằng, có khả năng thu hút sự ủng hộ rộng rãi và giảm đáng kể lượng khí thải carbon. Giải pháp phải đảm bảo tính hiệu quả tại địa phương và toàn cầu mà không phải hy sinh lợi ích kinh tế của doanh nghiệp hay ngư dân trong vùng hoặc đẩy họ vào tình thế bất lợi.
Một số ngành công nghiệp tại các quốc gia khác thải ra lượng carbon gấp 3 đến 4 lần các ngành công nghiệp của Mỹ để tạo ra sản phẩm tương tự. Hạn chế lượng khí thải carbon mà không đảm bảo sân chơi công bằng cho hàng hóa nhập khẩu sẽ chặn đứng đường vào thị trường của các sản phẩm này. Nhưng vẫn còn một cách để các quốc gia phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải của họ, đồng thời giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và axit hóa đại dương. Để làm được điều này, các chính phủ có thể cân nhắc việc đánh thuế carbon và thực hiện các chương trình hoàn trả doanh thu thuế cho người dân dưới dạng cổ tức, để biến nó trở thành một chính sách không tăng doanh thu thuế và ủng hộ người có thu nhập thấp; đồng thời đánh thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu ở biên giới. Tại Mỹ, ý tưởng này đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia an ninh quốc gia cũng như các nhà lãnh đạo chính trị; bởi đây là một chính sách giảm khí thải trong nước và quốc tế, khôi phục hệ sinh thái đại dương và khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp “xanh” chống lại những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất toàn cầu.
Rõ ràng chính sách này sẽ mang lại lợi ích cho ngư dân. Tại Mỹ, dù nhà quản lý cũng đang nỗ lực giảm khí thải carbon cho các đội tàu thông qua động cơ hybrid; nhưng không thể phủ nhận việc thu phí với hàng nhập khẩu ở vùng biên giới sẽ giúp Mỹ nâng cao cạnh tranh với các nhà sản xuất kém hiệu quả hơn trong việc bảo vệ môi trường tại thị trường Mỹ.
Đã đến lúc suy nghĩ sáng tạo đi đôi với hành động mạnh mẽ, táo bạo về cách ứng phó với hiểm họa biến đổi khí hậu và axit hóa đại dương. Đại dương khỏe mạnh sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và đảm bảo cuộc sống cho con người trên khắp hành tinh.
Chủ tịch Hiệp hội ngư dân Alaska