T5, 23/07/2020 05:35

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt: Nói cần đi đôi với làm

Số liệu từ FAO cho thấy, thủy sản đang là loại hàng hóa thực phẩm được mua bán nhiều nhất, 102 tỷ USD năm 2008. Theo báo cáo tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản thế giới năm 2010, do nhu cầu thủy sản tăng nên nguồn lợi thủy sản thế giới ngày càng bị khai thác cạn kiệt. Giáo sư Daniel Pauly, nhà sinh học biển và giáo sư Đại học British Colombia cho rằng ngày nay con người đã ăn thủy sản quá nhiều.

Oceans5 là một tổ chức phi chính phủ, quy tụ nhiều chuyên gia hoạt động tình nguyện trong lĩnh vực bảo tồn biển trên toàn thế giới; Vừa qua, Oceans5 có chuyến đi thực tế tới Việt Nam, học hỏi được nhiều về ngành nghề khai thác và nuôi thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt, Oceans5 đã nhận được sự hỗ trợ từ Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Hải sản, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) trong việc cung cấp thông tin về thực trạng hoạt động khai thác đánh bắt cũng như bảo tồn nguồn lợi hải sản.

Có thể thấy, Việt Nam vẫn đang phải đối diện nhiều thách thức trong vấn đề bảo tồn nguồn tài nguyên biển bền vững cho các thế hệ tương lai. Các bằng chứng khoa học cho thấy, sự đánh bắt cá quá mức đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trải khắp các vùng miền có tài nguyên biển, chính là nhân tố đe dọa trực tiếp cuộc sống ngư dân và các cộng đồng ven biển, ảnh hưởng tới chính kinh tế của họ, đẩy kinh tế đi xuống đáy “trôn ốc”. Nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam đang dần cạn kiệt, kể cả những loài cá thường gặp chứ không chỉ những loài cá hiếm.

Giải pháp ở ngay phía trước và không quá phức tạp, mặc dù không dễ đạt hiệu quả tức thời. Tổng cục Thủy sản hiểu rất rõ điều này. Việt Nam sẽ phải cân nhắc các biện pháp, cách thức giảm dần việc đánh bắt thủy hải sản tự nhiên quá mức như hiện nay; điều này nhằm giúp các loài thủy hải sản có thời gian để sinh sôi, phát triển như xưa. Ví dụ, các cơ quan chức năng có thể ban hành chính sách mới, nhằm giảm hoặc cấm hẳn việc đánh bắt thủy hải sản bằng lưới rê. EU đã làm tốt điều này, họ đã cấm đánh bắt bằng lưới rê trên vùng biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, nhằm tái sinh nguồn lợi hải sản.

Tương tự, các cơ quan ban ngành cấp trên có thể kết hợp chặt chẽ với các ban ngành quản lý ở từng địa phương, hạn chế hoặc giảm số lượng tàu thuyền ra khơi; đồng thời, khuyến khích ngư dân giãn thời gian đánh bắt, thời gian đi biển, để cá và các loài hải sản quay lại. Oceans5 tin rằng Việt Nam có thể tìm ra giải pháp hiệu quả, mang lại tương lai bền vững cho đại dương và các cộng đồng ven biển.

Giám đốc dự án Tổ chức Oceans5

J. Charles Fox

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!