T5, 06/01/2022 10:29

Bảo vệ phát triển bền vững

(TSVN) – Sáng 14/12/2021, Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI tổ chức hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy thương mại Việt Nam – Đức thông qua Hiệp định EVFTA: Những điều doanh nghiệp cần biết”.

Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương cho biết, Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Âu (sau Hà Lan), chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Năm đầu khi EVFTA có hiệu lực (từ tháng 8/2020 đến 7/2021), xuất khẩu nước ta sang Đức đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8,8% so một năm trước; trong đó thủy sản đạt hơn 200 triệu USD, tăng 15,5%. Tôm và cá ngừ Việt Nam là hai sản phẩm được ưa chuộng nhất, đều tăng thị phần.

Việt Nam đang có nhiều tiềm năng từ Hiệp định EVFTA vì được cam kết cắt giảm thuế ở mức cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã ký. Thị trường Đức hàng năm nhập 1,65 tỷ USD thủy sản chế biến, có nhiều hứa hẹn với thủy sản Việt Nam, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Trang ở Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cũng phân tích những thách thức đã và đang đặt ra với thủy sản Việt Nam. Thủy sản thuộc diện kiểm soát đặc thù, với nhiều nội dung: Dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc diệt khuẩn, tạp chất; giấy chứng nhận kiểm dịch; tính hợp pháp của việc đánh bắt (với hải sản đánh bắt).

Đặc biệt, thủy sản đang được yêu cầu bảo vệ môi trường ở mức cao. Mục đích bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ lợi ích chung.

Những yêu cầu cao đối với thủy sản là đòi hỏi của người tiêu dùng, trên toàn cầu, không riêng Đức với EU. Dịp cuối năm 2021, những yêu cầu đó đang khá nóng bỏng với thị trường Trung Quốc vừa gần gũi vừa là thị trường lớn của thủy sản nước ta, nhất là nhiều năm vốn được coi “dễ tính”.

Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248 quy định đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; Lệnh 249 quy định các biện pháp quản lý giám sát ATTP. Với thủy sản, các yêu cầu về ATTP, bảo vệ môi trường phải được ghi rõ ràng và đầy đủ trên nhãn hiệu bao bì. Cụ thể việc ghi nhãn đối với các sản phẩm thủy sản, bao bì bên trong và bên ngoài phải thể hiện rõ: Tên hàng hóa và tên khoa học; thông số kỹ thuật, ngày sản xuất, số lô, thời hạn sử dụng và điều kiện bảo quản; phương thức sản xuất (thủy sản đánh bắt biển, đánh bắt nước ngọt, nuôi trồng). Còn phải ghi rõ ràng khu vực sản xuất; tên, số đăng ký và địa chỉ (tỉnh/thành phố) của tất cả các doanh nghiệp sản xuất và chế biến có liên quan (bao gồm tàu đánh cá, tàu chế biến và tàu vận tải, kho lạnh độc lập). Hai lệnh trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Thời gian qua, số lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó tính và cạnh tranh cao, đòi hỏi việc xuất khẩu hàng nông sản và thủy sản phải thay đổi cho phù hợp. Trong đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số để khớp nối được dữ liệu về cung cầu, thúc đẩy mô hình trung tâm logistics theo đối tác công tư. Nhiều công việc đã đặt ra từ đầu năm mới 2022 đòi hỏi ngành thủy sản nước ta phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường, của thời đại, đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP, bảo vệ phát triển bền vững.

Nhà báo Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!