T5, 23/07/2020 05:35

Bột cá không thể dùng dài hạn

Một báo cáo mới đây của cơ quan nghiên cứu thị trường Rabobank, nguồn cung bột cá toàn cầu đang ổn định.

Rabobank đã tiến hành rà soát thực trạng hiện nay của thị trường bột cá toàn cầu và phát hiện sản lượng khai thác cá cơm của Peru năm nay đã được cải thiện rõ rệt sau 3 năm sụt giảm liên tiếp. Những tín hiệu tích cực của ngành bột cá theo báo cáo Rabobank chủ yếu dựa vào các yếu tố như: sự suy yếu của hiện tượng El Nino, nước biển ấm lên ở vùng trung tâm phía đông đường xích đạo Thái Bình Dương đã tác động tới sự phân bố địa lý của trữ lượng cá cơm. Sản lượng khai thác cá cơm tăng, đồng nghĩa nguồn cung bột cá, dầu cá sẽ được cải thiện và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn nhưng không thể kéo dài, mặc dù tình trạng giá bán bất ổn không xảy ra sớm. 

Số liệu thống kê cho thấy, ngành thủy sản hiện tiêu thụ 70% tổng sản lượng bột cá và 73% sản lượng dầu cá toàn cầu. Theo FAO, chính những mô hình nuôi thâm canh cá hồi, tôm, cá da trơn, cá rô phi, cá sea bass và sea bream mới tiêu tốn nhiều bột cá, dầu cá. Nhưng các giống nuôi mới như cá ngừ vây xanh, cá giò, cá vùng Amazon lại được dự đoán sẽ ngốn một lượng bột cá dầu cá nhiều nhất trong tương lai với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 6% tới năm 2020.

Khai thác thủy sản toàn cầu có dấu hiệu chững lại từ những năm 1980 và nguồn cung bột cá đã giảm rất mạnh từ 7 triệu tấn (năm 2000) xuống mức thấp 4,2 triệu tấn (năm 2016). Nguồn cung hạn hẹp do sản lượng khai thác kém và nhu cầu sử dụng các loại cá nổi nhỏ để làm thực phẩm cho con người ngày càng gia tăng, cũng như sự xuất hiện của các hiện tượng thời tiết cực đoan, mà điển hình là El Nino. Nguồn cung nguyên liệu cho ngành bột cá là các loại cá nổi nhỏ không thể tăng trưởng bền vững do hạn ngạch khai thác.

Trong thời gian này, nhu cầu tiêu thụ thức ăn thủy sản lại tăng dần và mặc dù ngành thức ăn thủy sản giảm lượng bột cá trong thức ăn từ khoảng 70% những năm 1990 xuống còn 25% hiện tại, vẫn có sự chênh lệch giữa nguồn cung dự kiến và nhu cầu trong tương lai. Nhiều công ty lớn đã thử nghiệm thức ăn không chứa bột cá, tuy nhiên vẫn chưa tìm ra nguồn dinh dưỡng tối ưu.

Sự thiếu hụt nguồn protein thức ăn thủy sản đã được bù đắp bằng các nguồn khác như: cá dùng làm thực phẩm cho con người, nguồn đạm thực vật, sản phẩm phụ trong ngành chăn nuôi (như bột lông vũ, bột huyết). Tuy nhiên, chưa được sử dụng rộng rãi theo quy định của từng quốc gia, dẫn tới tình trạng nguồn cung các loại protein trên thị trường càng trở nên rối ren hơn.

Nguồn dinh dưỡng thay thế bột cá được đánh giá tiềm năng nhất là bột côn trùng và tảo biển. Trong đó, protein từ côn trùng là một trong những nguồn cung thức ăn thay thế bền vững nhất, nhưng cần kinh phí đầu tư lớn để đạt quy mô thương mại và đây là cơ sở để ngành thức ăn thủy sản kỳ vọng mức sản lượng 500.000 tấn protein chất lượng cao vào năm 2022 và giảm được sự phụ thuộc vào bột cá. 

Nicki Holmyard

Biên tập viên Seafoodsource

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!