T5, 23/07/2020 05:35

Cá tra, basa đối mặt rào cản gai góc

Khi mới được manh nha, Chương trình thanh tra cá da trơn kiểu mới của Mỹ vấp phải nhiều phản đối, chỉ trích gay gắt. Không ít chuyên gia dự báo Chương trình này sẽ tác động tới đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thậm chí khẳng định Chương trình thanh tra đang yếu thế và sẽ sớm chấm dứt.

Nhưng khi các cuộc đàm phán TPP sắp đi đến hồi kết, Chương trình thanh tra vẫn khẳng định được sức sống gần như bất diệt. Chắc chắn nó sẽ làm tổn thương thị trường thủy sản Mỹ và người tiêu dùng Mỹ – vốn đang hưởng lợi nhờ nhập khẩu lượng lớn thủy sản giá rẻ từ Việt Nam. Việt Nam cũng lên tiếng phản đối Chương trình thanh tra mới, trong cuộc đàm phán TPP giữa 12 quốc gia, và chỉ rõ bản chất Chương trình này giống rào cản thương mại phi thuế quan.

Nông dân nuôi cá da trơn tại Mỹ từng sống trong trạng thái thấp thỏm lo sợ các chính sách giám sát chất lượng nghiêm ngặt của Chương trình thanh tra mới sẽ bị cắt bỏ dần trong suốt phiên đàm phán cuối của TPP thì nay đã thở phào nhẹ nhõm. Trong các phiên đàm phán TPP, chương trình thanh tra cá da trơn được nhắc tới nhiều, song những điều khoản và thỏa hiệp về an toàn vệ sinh thực phẩm của Chương trình này lại được giữ nguyên. Đạo luật cá da trơn đang được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hoàn tất để chính thức áp dụng và chắc chắn TPP sẽ không ảnh hưởng tới quá trình này.

Chương trình thanh tra mới sẽ chuyển giao chức năng thanh tra, giám sát chất lượng từ Cục Quản lý Lương thực và Dược phẩm Mỹ (FDA) sang USDA. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cho mọi sản phẩm thủy sản khác, không riêng cá tra, basa Việt Nam. USDA càng quyết tâm thực hiện bằng được chương trình thanh tra mới, sau khi các nghiên cứu viên Hà Lan, phối hợp các đối tác Việt Nam và các chuyên gia quốc tế khác tìm ra bằng chứng 32 trại nuôi cá tra, basa tại ĐBSCL sử dụng kháng sinh vào năm 2013. Người nuôi cá tại Mỹ cần “sân chơi” bình đẳng, cá nuôi ở Việt Nam cũng cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh như ở Mỹ – đó là cái lý mà USDA đưa ra để thực hiện chương trình này. James Bacchus, luật sư người Mỹ, đại diện cho phía Việt Nam, cựu Chánh thẩm tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khẳng định, chương trình thanh tra cá da trơn kiểu mới không khác gì lệnh cấm nhập khẩu.

Tới nay, Chương trình thanh tra mới đã trở thành niềm hy vọng của toàn bộ nông dân nuôi cá da trơn tại Mỹ, trong cuộc chiến dập tắt làn sóng gia tăng nhập khẩu cá tra, basa giá rẻ Việt Nam. Đồng nghĩa, người nuôi cá da trơn tại Mỹ sẽ có cơ hội tăng sản lượng, hạ chi phí sản xuất và không phải gồng mình cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Có thể Việt Nam cũng phải xây dựng Chương trình giám sát chất lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ tương tự chương trình của USDA. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam sẽ phải mất nhiều năm để thích ứng, và tạm thời, việc nhập khẩu cá tra, basa vủa Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ vấp phải một rào cản rất gai góc.

Nhà báo Reuters

David Lawder

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!